Sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây dược liệu:Cần giải pháp khai thác hiệu quả
Việt Nam có nguồn giống cây dược liệu rất lớn, nhiều loại quý hiếm, phục vụ ngành dược phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc chế biến và tiêu thụ cây dược liệu ở nước ta vẫn manh mún, thô sơ, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất và xuất khẩu… Để khai thác hiệu quả lợi thế nguồn nguyên liệu quý hiếm này, rất cần những giải pháp hữu hiệu hơn nữa từ nhiều phía...

Nguồn tài nguyên phong phú
Việt Nam hiện có 357.178ha trồng cây dược liệu, trong đó: Trồng dưới tán rừng 220.178ha; trồng trên đất nông nghiệp, cây lâu năm và cây ngắn ngày 137.000ha. Việt Nam cũng đang lưu giữ, bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu có giá trị kinh tế, ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (thành phố Hồ Chí Minh). Thời gian qua, nhà nước đã có những chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là dược liệu quý hiếm, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng cây dược liệu tập trung, quy mô lớn; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu...
Là một trong những địa phương có nguồn cây dược liệu lớn, phong phú, đa dạng, Hà Nội xác định thế mạnh là phát triển các vùng chuyên canh; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa dược liệu trở thành một trong những cây trồng chủ lực.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho biết, toàn thành phố hiện có 43 vùng trồng tập trung, diện tích 213ha, chủ yếu tại các huyện: Sóc Sơn, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây. Việc áp dụng tổng thể biện pháp kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến đã bảo đảm năng suất cây dược liệu ổn định, lợi nhuận đạt 200-400 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Nếu thâm canh cao, theo hướng GACP (thực hành tốt nuôi trồng, thu hái), sản phẩm tiêu thụ ổn định và xuất khẩu, lợi nhuận có thể đạt 300-600 triệu đồng/ha/năm…
Một số sản phẩm từ cây dược liệu của Hà Nội, như: Trà hoa vàng Hakoda, trà thảo mộc chất lượng cao, bột rau má, bột diếp cá, cà gai leo... đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia (Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...) và được đánh giá cao về chất lượng.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền cho hay, đơn vị đã phát triển diện tích cây dược liệu (trà hoa vàng Hakoda, trà hoa vàng Tamdaoensis, khôi tía, hoàng kim cúc, cúc đinh hương, râu mèo, thìa canh, hoa hồng...) quy mô 21ha tại xã Bắc Sơn và 12ha tại xã Xuân Giang. Bên cạnh sản xuất trà thảo dược, hợp tác xã đang phát triển sản phẩm xì dầu làm từ cây ngưu bàng, đạt hiệu quả khá cao...
Khoa học công nghệ là then chốt
Mặc dù giàu tiềm năng song việc sản xuất cây dược liệu ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, phân tán, xen canh; chưa có doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chuyên phát triển, chọn, tạo giống có năng suất cao, chất lượng, quý hiếm... Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, công nghệ chế biến dược liệu ở Hà Nội còn hạn chế. Rất ít doanh nghiệp, công ty tham gia chế biến dược liệu do chi phí đầu tư công nghệ tốn kém. Sản phẩm dược liệu của Hà Nội chủ yếu tiêu thụ tại nội địa (chiếm khoảng 90% tổng sản lượng), tập trung tại các thị trường lớn phía Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên…
Nhằm phát huy giá trị kinh tế từ cây dược liệu, Hà Nội đang tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, đầu tư công nghệ sản xuất giống; xây dựng quy trình trồng cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh từ nguồn gene quý, lợi thế của từng địa phương; nhập nguồn gene tiên tiến; thực hiện nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GMP-WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến sâu…
Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ và dược liệu Việt Nam (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý đề nghị ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ các đơn vị tham gia trồng cây dược liệu đầu tư, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo hướng hiện đại. Trong đó, hướng ưu tiên là đầu tư nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, sản phẩm thực dưỡng..; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm…
Để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu ở các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Việt Nam Đỗ Thế Lộc cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển cây dược liệu; chú trọng bảo tồn, khai thác, sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; phát triển vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế…