“Bản trường ca hòa bình” tái hiện Đại thắng mùa Xuân 1975, đưa non sông về một mối
Chương trình tái hiện hành trình dân tộc Việt Nam đã đi qua để giành lấy độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình tựa như một bản trường ca bất tử, bi tráng và hào hùng.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tối 6-4, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật “Bản trường ca hòa bình” tại ba điểm cầu: Thủ đô Hà Nội (Trường quay Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội); Thành phố Hồ Chí Minh (Hội trường Thống Nhất - Di tích lịch sử Dinh Độc Lập) và tỉnh Đắk Lắk (Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột).
.jpg)
Dự Chương trình tại ba điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.
Tham dự tại ba điểm cầu còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng các cựu chiến binh và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động nhằm góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn, thể hiện tình cảm tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì non sông hòa bình, đất nước thống nhất; động viên cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân cả nước phát huy truyền thống, tiếp tục phấn đấu giành nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Cầu truyền hình “Bản trường ca hòa bình” được xây dựng quy mô, công phu về nội dung và nghệ thuật, với mong muốn tái hiện một cách xúc động và chân thực hành trình 21 năm gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam - cuộc hành trình tựa như một bản trường ca bi tráng và vinh quang mà trong đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 chính là chương đẹp nhất, rực rỡ nhất.

Đại thắng mùa Xuân 1975 đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; một biểu tượng sáng ngời của sức mạnh thời đại và tinh thần đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng, cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tại Hội trường Thống Nhất (Di tích lịch sử Dinh Độc Lập), cách đây tròn 50 năm, đã chứng kiến khoảnh khắc vỡ òa của cả dân tộc, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc tòa nhà, trở thành hình ảnh biểu tượng cho ngày toàn thắng, đánh dấu giờ phút non sông thu về một mối, đất nước sạch bóng quân thù.
.jpg)
Tái hiện biểu tượng của điểm cầu Hội trường Thống Nhất, trên nền ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” cũng đã đem đến một tiết mục hùng tráng với hình tượng khăn rằn, là biểu tượng của nhân dân miền Nam trong kháng chiến vệ quốc vĩ đại.
.jpg)
Ngoài sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài quân đội, đáng chú ý, Chương trình đã mang tới nhiều câu chuyện, hồi ức bi tráng, giàu cảm xúc của các nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, như: Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Phi công Phi đội Quyết thắng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Từ Đễ... cùng nhiều cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Chương trình còn có các phóng sự với nội dung ngắn gọn, được kết hợp, đan cài khéo léo với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ, hấp dẫn bằng các hình thức biểu đạt phong phú, như: Âm nhạc thính phòng, múa đương đại, biểu diễn thực cảnh, trình diễn ánh sáng 3D mapping, laser, khói lửa, pháo hoa, trình chiếu đồ họa... nhằm hình tượng hóa, nghệ thuật hóa các thông tin lịch sử, giúp các câu chuyện, ký ức lịch sử trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận với đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.
