Hà Nội đứng thứ ba về Chỉ số cải cách hành chính năm 2024
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra sáng 6-4, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2024). Theo đó, năm 2024, Hà Nội đứng thứ ba cả nước về chỉ số PAR Index.

Thực hiện khảo sát hơn 85.600 phiếu
Năm 2024 là năm thứ 13, Bộ Nội vụ triển khai đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các tỉnh. Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP.
Theo đó, Chỉ số CCHC cấp tỉnh bao gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 68 điểm đánh giá kết quả CCHC và thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 32 điểm đánh giá tác động của CCHC thông qua điều tra xã hội học.
Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung CCHC.
Việc đánh giá đa chiều là sự kết hợp đánh giá (bên trong) của các cơ quan hành chính nhà nước và sự tham gia đánh giá (bên ngoài) của người dân, tổ chức đối với kết quả CCHC hằng năm của các tỉnh, thành phố.
Quy trình rà soát, thẩm định, đánh giá đều thực hiện qua phần mềm quản lý chấm điểm của Bộ Nội vụ.
Việc thực hiện khảo sát trực tuyến thông qua phần mềm; phiếu khảo sát điện tử được gửi trực tiếp đến địa chỉ hòm thư của từng người được hỏi, giúp cho công tác khảo sát nhanh chóng, thuận tiện, khách quan, minh bạch, kết quả trả lời được tổng hợp, tính điểm theo thời gian thực.
Để xác định Chỉ số CCHC năm 2024, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 85.600 phiếu, trong đó, có 36.525 phiếu của người dân để đo lường mức độ hài lòng nêu trên; 49.159 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý tại các bộ, địa phương, hội, hiệp hội.
63/63 tỉnh, thành phố đạt kết quả trên 80%
Chỉ số CCHC năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%.
Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận (+6,39%), tăng thấp nhất là Lai Châu (+0,19%). Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, tỉnh giảm nhiều nhất là 2,94% và tỉnh giảm ít nhất là 0,21%.
Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,30% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023. Xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với kết quả đạt 93,35%, tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2023.
Một số địa phương khác cũng thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, xếp thứ 3/63, đạt 92,75%; Quảng Ninh xếp thứ 4/63, đạt 91,49%; Thái Nguyên, xếp thứ 5/63, đạt 91,47%.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là tỉnh Cao Bằng, đạt 82,95%, mặc dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn 1,63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023.
Về chỉ số thành phần, năm 2024, có 6/8 chỉ số thành phần tăng điểm; tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” (+3,79%). Có 2/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2023 đó là các Chỉ số thành phần: “Cải cách tài chính công” (-0,02%) và “Cải cách thể chế” (-1,60%).
Xếp thứ 2 là Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC”, giá trị trung bình đạt 96,79%, cao hơn 2,38% so với năm 2023 (đạt 94,41%); 43 địa phương tăng điểm so với năm 2023; có 16 địa phương đạt tỷ lệ điểm đánh giá tối đa (100%). Địa phương đứng cuối bảng xếp hạng là Bạc Liêu, chỉ đạt 86,38%...
Nhìn chung, năm 2024, kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn...
Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp...
Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu phát triển mạnh, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.