Câu chuyện âm nhạc: “Tiếng nói Hà Nội”

Giải trí - Ngày đăng : 07:40, 26/11/2022

(HNMCT) - Năm 1967, trong khí thế sục sôi đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bài hát “Tiếng nói Hà Nội” (nhạc Văn An, thơ Cảnh Trà) ra đời. Ca khúc như lời tuyên ngôn đanh thép của người Hà Nội quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất trời thiêng liêng của Thủ đô yêu dấu: “Hà Nội sắt son quyết tâm một lời thề/ Tôi đứng đây biết bao niềm tự hào/ Giữ Thủ đô diệt tan quân cướp Mỹ/ Nhắm quân thù nòng súng vươn tới trời cao”...

Nhạc sĩ Văn An.

Lời tuyên ngôn ấy được kế thừa và phát triển từ cội nguồn lịch sử ngàn đời của cha ông quyết đấu tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ non sông đất nước: “Từ Đống Đa gió gọi hồn dân tộc/ Từ Ba Đình gió rung lời thề độc lập/ Tiếng ngày nay cùng với tiếng ngày xưa/ Như nhắc nhở truyền thống của Thủ đô”.

“Tiếng nói Hà Nội” nhanh chóng lan tỏa, được đông đảo quần chúng yêu thích, kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu ngoan cường, làm nóng trái tim người Hà Nội giữa những ngày sục sôi đánh Mỹ. Ca khúc được trao Giải thưởng Hà Nội năm 1967.

Nhạc sĩ Văn An (1929 - 2011) quê ở Nam Định, lớn lên tại Bắc Ninh, tham gia cướp chính quyền ở thị xã Bắc Ninh năm 1945, sau đó hoạt động trong Đoàn nhạc Công an. Năm 1948, ông về Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc, tham gia các chiến dịch Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc rồi về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (1954). Ông từng học lớp sáng tác do chuyên gia Triều Tiên hướng dẫn. Năm 1958, ông công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia giảng dạy sáng tác ca khúc trong và ngoài quân đội cho đến khi nghỉ hưu.

Nhạc sĩ Văn An còn được biết đến với những ca khúc nổi tiếng như “Đường lên Tây Bắc” (1952), “Cánh diều miền Bắc” (1957), “Đường dây ai rải” (1965), “Thái Văn A đứng đó”, “Đôi dép Bác Hồ” (thơ Tạ Hữu Yên - 1970), “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” (thơ Tạ Hữu Yên), “Ta ra trận hôm nay” (1973), “Nhịp cầu nối những bờ vui” (thơ Phan Văn Từ - 1976), “Trên đường hạnh phúc”, “Lá cờ Đảng”...

Đại tá, nhạc sĩ Văn An đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001 với các tác phẩm “Đường lên Tây Bắc”, “Quân đội ta, quân đội anh hùng”, “Thái Văn A đứng đó” cùng nhiều giải thưởng có giá trị của các bộ, ngành, địa phương.

Hà Phong