Giá dầu thế giới giảm mạnh trong tuần qua
Sau khi tăng hơn 3% vào đầu tuần, giá dầu giảm nhẹ giữa tuần và “rơi tự do” gần 7% vào cuối tuần.

Tuần qua, giá dầu thế giới giảm mạnh tới gần 7%. Ảnh: MXV
Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 31-3) giá dầu thô thế giới đồng loạt tăng mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ mạnh tay hơn với hai trong số những nguồn cung dầu lớn trên thế giới là Nga và Iran.
Sắc xanh bao phủ toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng, trong đó, cả hai mặt hàng dầu đều ở mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3. Trong đó, giá dầu Brent tăng 1,51% lên 74,74 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 3,06% lên 71,48 USD/thùng. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá dầu WTI kể từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 4 giá dầu hạ nhiệt sau chuỗi tăng “nóng” kể từ phiên giao dịch ngày 19-3. Nguyên nhân là bởi những lo ngại về nguồn cung trước đó được xoa dịu nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4, trong khi thị trường lại đối mặt với áp lực mới từ triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu.
Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 0,37% xuống 74,49 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 0,39%, chốt ở mức 71,2 USD/thùng.
Sang ngày 3-4, áp lực đè nặng lên thị trường năng lượng khi có đến 4/5 mặt hàng đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, giá dầu Brent và WTI đã lần lượt đánh mất 6,42% và 6,64% xuống mốc 70,14 USD/thùng và 66,95 USD/thùng. Đây là mức giảm sâu nhất của giá dầu Brent kể từ ngày 1-8-2022, còn đối với giá dầu WTI là từ ngày 11-7-2022.
Giá dầu lao dốc sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính sách này được đánh giá là tệ hơn so với các dự đoán trước đó trên thị trường.
Tình hình căng thẳng thương mại leo thang khiến thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.
Thêm vào đó, OPEC+ đã bất ngờ tăng mạnh sản lượng dầu trong tháng 5. Bản kế hoạch ban đầu đưa ra con số tăng thêm là 135.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, sau cuộc họp trực tuyến giữa đại diện 8 nước diễn ra vào ngày 2-4, OPEC+ đã đưa ra con số mới lên tới 411.000 thùng/ngày.
Theo OPEC+, việc tăng sản lượng mạnh là do “nền tảng bền vững và triển vọng thị trường tích cực” và “việc tăng sản lượng có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược tùy thuộc vào các điều kiện thị trường đang thay đổi".
Kế hoạch tăng mạnh sản lượng trong tháng 5 đi kèm với kế hoạch tăng đang được triển khai trong tháng 4 này của OPEC+ đã phần nào làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn là yếu tố rủi ro lớn đè nặng lên thị trường năng lượng trong thời gian tới.