Đối ngoại

Việt Nam đóng góp thiết thực cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Theo TTXVN 05/04/2025 - 09:12

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ngày 4-4 (giờ địa phương) đã kết thúc, đánh dấu sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực của Việt Nam, qua việc chủ trì một phát biểu chung và nhiều phát biểu đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

Chú thích ảnh
Đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN

Kết quả nổi bật sau 6 tuần họp liên tiếp của Khóa họp 58 Hội đồng Nhân quyền gồm:

(i) Phiên họp cấp cao diễn ra trong tuần đầu tiên với sự tham dự của 4 nguyên thủ quốc gia, 6 phó tổng thống/phó thủ tướng, 95 bộ trưởng và thứ trưởng các nước thành viên LHQ, cùng Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng Thư ký và Cao ủy Nhân quyền LHQ, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva;

(ii) 32 nghị quyết được thông qua;

(iii) 9 phiên thảo luận chuyên đề về lồng ghép nhân quyền, vấn đề án tử hình, cảnh báo sớm và phòng, chống nạn diệt chủng, ứng phó với HIV và không bỏ lại ai phía sau, hiện thực hóa quyền lao động và quyền an sinh xã hội trong nền kinh tế phi chính thức, quyền người khuyết tật, quyền trẻ em về chủ đề các ưu tiên để thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền trẻ em đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, quyền trẻ em về chủ đề sự phát triển của trẻ nhỏ trong trường hợp khẩn cấp: đặt quyền trẻ em lên hàng đầu;

(iv) Thảo luận về 80 báo cáo chuyên đề;

(v) Các phiên thảo luận, đối thoại với 41 thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền của LHQ;

(vi) Các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước;

(vii) Hoàn thành thủ tục thông qua các kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 13 nước.

Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 58, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày phát biểu chung về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để đạt được bình đẳng giới, được đông đảo các nước ủng hộ.

Bài phát biểu chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các SDGs để đạt được bình đẳng giới, bao gồm các ưu tiên như tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình ra quyết định; thúc đẩy vai trò lãnh đạo của họ trong khoa học và công nghệ; đảm bảo sự tham gia bình đẳng trong các tiến trình hòa bình và an ninh; tăng cường năng lực, ngân sách để lồng ghép giới trong chính sách. Việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là chìa khóa để bảo vệ nhân quyền và phát triển bền vững.

Trong suốt quá trình tham dự Khóa họp thứ 58, đoàn Việt Nam đã tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại diện của các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, nổi bật là xây dựng phát biểu chung với sự bảo trợ của 65 quốc gia. Các hoạt động này đã góp phần thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Đoàn Việt Nam cũng đã có các phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề được quan tâm cao như hiện thực hóa quyền lao động và quyền an sinh xã hội trong nền kinh tế phi chính thức; quyền trẻ em; ứng phó với HIV và không bỏ lại ai phía sau; quyền văn hóa; quyền lương thực; quyền người khuyết tật; vấn đề Palestine và các vùng lãnh thổ Arab bị chiếm đóng…

Tại các phát biểu, đoàn Việt Nam nêu rõ chủ trương của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; chia sẻ những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; khẳng định cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin thông qua tinh thần đối thoại, hợp tác, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại Khóa họp 58 của Hội đồng Nhân quyền thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong phiên họp đầu tiên của năm cuối cùng trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, góp phần tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam chuẩn bị tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.