GRDP quý I của Hà Nội tăng cao: Kỳ vọng sức vươn trong năm 2025
Khác với kết quả quý I-2024, kinh tế Hà Nội trong quý I-2025 đã có sự bứt tốc đáng ghi nhận. Đây là tín hiệu tích cực, như một chỉ dấu thể hiện sức vươn của Thủ đô với khát vọng đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển nhanh, bền vững của Hà Nội và cả nước, trước mắt là hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

GRDP tăng 7,35%, thu hút vốn FDI tăng 49,5%
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý I-2025 tăng tới 7,35% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao trong 5 năm gần đây. Thực tế cho thấy, quy mô kinh tế của Hà Nội rất lớn và khi đạt mức tăng trưởng khả quan, sẽ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Mặt khác, cũng cần xem xét thêm về thực tế là trong quý I, có số ngày nghỉ lễ, Tết khá dài, làm giảm nhịp độ sản xuất và hoạt động thương mại trên địa bàn, để thấy rõ hơn sức vươn của Thủ đô.
Hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp đà tăng trưởng khá, khi các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu cùng với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó tháng 3 tăng 5,2%. Như vậy, xu hướng tăng tốc qua thời gian từng tháng đã được xác lập, là nền tảng, kỳ vọng cho sự tăng tốc thời gian tới.
Trong quý I, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ, như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 44,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 15,5%; dệt tăng 14,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,4%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất trang phục tăng 7,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 18,7%...
Đáng ghi nhận nữa là, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở thời điểm 31-3 giảm 2,9% so với cuối tháng trước.
Cùng thời gian, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4,323 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2,215 tỷ USD, giảm 10,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,108 tỷ USD, tăng 21,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ như máy móc thiết bị phụ tùng đạt 622 triệu USD, tăng 16,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 593 triệu USD, tăng 3,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 567 triệu USD, tăng 19,5%...
Quý I-2025, Hà Nội thu hút 1,415 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu khả quan khi cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt và giới đầu tư quốc tế trở nên “khó tính” hơn trong việc lựa chọn địa điểm triển khai dự án mới, kết hợp tái cấu trúc chuỗi sản xuất - cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn vẫn trầm lắng, vì trong quý I, thành phố mới cấp giấy chứng nhận cho 5,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 44,6 nghìn tỷ đồng; giảm 18,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 38,1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Có 3,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5%. Ngoài ra có 14,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 18,1%) và 1,4 nghìn doanh nghiệp giải thể (tăng 25,5%). Thực tế trên thể hiện sự khó khăn của giới doanh nghiệp và đòi hỏi sự hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong những tháng tới.
Khơi thông các nguồn lực
Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tích hợp, kết nối liên thông, rút ngắn thời gian giải quyết nhu cầu của người dân, doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa hạ tầng để nâng cao hiệu quả phục vụ.
Kết quả khảo sát mới đây cho biết, có 34,1% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh xu hướng quý II-2025 sẽ tốt hơn so với quý I; 46% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thời gian tới Sở sẽ tăng cường tham mưu với UBND thành phố nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại; kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm cơ chế chính sách phát huy hiệu quả khi triển khai thực tế. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển căn cứ lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường...
Phó Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Thu Hằng thông tin thêm, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư tư nhân; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%...
Theo bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô ngày càng trưởng thành và đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đang triển khai đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng quản trị tiên tiến; nhất là tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số, theo đuổi mục tiêu sản xuất xanh… Qua đó, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng của Thủ đô.