Tìm biện pháp xử lý tổng thể và toàn diện, chưa điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 4-4, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, cần bình tĩnh tìm biện pháp xử lý tổng thể và toàn diện trước chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, chưa vội bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho rằng, mức thuế 46% mà Mỹ áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là đáng "quan ngại" trong bối cảnh Việt Nam kiên trì, ủng hộ nhất quán thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại đầu tư.
Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
“Mức thuế MFN trung bình mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là không công bằng và không thể hiện thiện chí với những nỗ lực thúc đẩy thương mại cân bằng của Việt Nam. Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục đàm phán để hai bên tìm tiếng nói chung" - ông Linh bày tỏ.
Ông Linh khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường; chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) so với các nước khác trong khu vực và thế giới, Việt Nam sở hữu số lượng hiệp định nhiều nhất. Nhờ đó, trong những năm qua, xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, đạt giá trị gần 800 tỷ USD. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực tận dụng thị trường Mỹ, thị trường EU, là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao với những lô hàng xuất khẩu lớn.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít kinh nghiệm xuất khẩu, cần phải hỗ trợ, đào tạo để nắm được thông tin thị trường, hàng hoá có thể đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hiện cục đang thúc đẩy đàm phán thực hiện các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Mỹ La tinh, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, gần đây nhất là Brasil.
“Việt Nam là đối tác thương mại có trách nhiệm với các nước, sẵn sàng hợp tác trao đổi thảo luận đi đến thống nhất, giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quan hệ song phương, hướng tới quan hệ hài hoà hơn. Từ nay đến ngày 9-5, Bộ Công Thương sẽ có những trao đổi với phía Hoa Kỳ đưa ra phương hướng xử lý vấn đề đang vướng mắc giữa hai bên”, ông Tạ Hoàng Linh khẳng định.

Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, ngay sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm, cũng như các kênh khác nhau để tiến tới thu xếp điện đàm với người đồng cấp là Trưởng đại diện Thương mại Mỹ.
Mục tiêu là nhằm giải thích rõ hơn các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế...
Về công hàm Bộ Công Thương gửi ngày 3-4, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ đang đề nghị Đại sứ quán và trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ có trao đổi tích cực phía bạn để cung cấp thông tin.
Sang tuần tới, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn sẽ sang Hoa Kỳ gặp gỡ, trao đổi. Ngay trong chiều nay, Chính phủ cũng đã gặp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu; khuyến nghị doanh nghiệp cần trao đổi với các đối tác nhập khẩu, tìm ra giải pháp thích hợp, vượt qua thách thức trong ngắn hạn và ổn định về lâu dài.
“Thời điểm hiện nay chúng ta cần bình tĩnh tìm biện pháp xử lý tổng thể và toàn diện chứ chưa vội bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu. Các giải pháp đang tìm kiếm là để vượt qua thách thức trước mắt và tìm ra cơ hội mới lâu dài”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới.