3 tháng đầu năm 2025, Hà Nội thu hơn 6.800 tỷ đồng từ đấu giá đất
Trong 3 tháng đầu năm 2025, thành phố Hà Nội đã đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 6.860 tỷ đồng, đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025.
Thực hiện 2.969 dự án với diện tích giải phóng mặt bằng 18.875ha

Chiều 3-4, tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2025, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo về công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá sơ bộ kết quả rà soát thống kê đất đai năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 335.983,58ha, trong đó, đất chưa sử dụng dự kiến đến ngày 31-12-2024 còn 2.635ha, đạt tỷ lệ 23,31% so với diện tích phân bổ.
Về công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn thành phố là 1.678.912 thửa đất. Việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành được 328.690 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 89,92%.
Đến nay, nhìn chung, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn các quận huyện, thị xã đã đạt được kết quả nổi bật. Trong đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai 2024, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và thực tiễn của Thủ đô.

Đối với các dự án trọng điểm của Trung ương, của thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu. Thành phố đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, như: Đầu tư xây dựng 3 cây cầu qua sông Hồng gồm cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi; dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố.
Từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2025, trên địa bàn thành phố triển khai, thực hiện 2.969 dự án với diện tích đất cần thu hồi giải phóng mặt bằng là 18.875ha. Thành phố đã thực hiện xong 1.630 dự án, thu hồi 7.233,1ha; số dự án đang thực hiện là 1.339 dự án, diện tích 11.641,9ha.
Cùng với đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo chuyển đổi nghề góp phần ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Tăng cường quản lý đất đai và xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, theo Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 15-1-2024 của UBND thành phố, việc đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024-2025 được thực hiện với 735 dự án (284 dự án chuyển tiếp), với tổng diện tích đất đấu giá là 555,21ha.

Theo Quyết định số 6336/QĐ-UBND ngày 12-12-2023 của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu - chi ngân sách năm 2024 thành phố Hà Nội, chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 là 25.105 tỷ đồng. Tính đến ngày 26-11-2024, thành phố đã thu được 18.599 tỷ đồng, đạt 74,08% chỉ tiêu. Đến tháng 3-2025, thành phố thu được khoảng 6.860 tỷ đồng, đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025.
Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý đất đai được tăng cường, thành phố đã xử lý khoảng 28.913 trường hợp, đạt 57,37% tổng số vi phạm cần xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Đại cũng thông tin, việc thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tạo chuyển biến mạnh, tác động tích cực đến công tác quản lý đất đai khi tạo sự tập trung, thống nhất trong quản lý; giảm tầng nấc hành chính trung gian; nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý ở cấp xã...
Thành ủy và UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, bảo đảm phát huy được tính tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai từ việc sáp nhập.
Để quá trình thực hiện sáp nhập và hợp nhất đơn vị hành chính đạt được mục tiêu đề ra, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành; UBND các quận huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường quản lý đất đai và xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.
Thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý đất đai cho người dân để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành. Trong đó, các đơn vị chủ động giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm từ khi mới phát sinh.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến đất đai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng quá trình sáp nhập để tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật.
Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và điều chỉnh quản lý đất đai theo hướng phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nhằm phù hợp với thực tiễn quản lý sau khi sáp nhập, bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.