Chủ tịch HoREA: "Nhà dưới 3 tỷ đồng ngày càng khan hiếm"
Từ năm 2021 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh không có thêm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Trong khi số lượng nhà ở xã hội tại thành phố chỉ vào khoảng 6.000 căn, quá ít so với nhu cầu thực...

Thực trạng trên được các đại biểu đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ”, do Báo Người Lao Động phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3-4.
Tại tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu thông tin, nhà ở giá rẻ gồm hai loại là nhà ở xã hội và phân khúc thấp nhất của nhà ở thương mại, hay còn gọi là nhà vừa túi tiền.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và sở hữu được nhà ở giá rẻ không phải chuyện dễ đối với người trẻ hiện nay. Lý do là thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn, thậm chí mua nhà dưới 3 tỷ đồng ngày càng khan hiếm. Do đó, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh gia tăng nguồn cung.
Về định hướng phát triển nhà ở, ông Châu cho rằng, cần có nhiều cơ chế mới để rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội. Đặc biệt, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, nhằm giúp tăng nguồn cung nhà ở đáng kể, tạo điều kiện để người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở.
Góp ý thêm về chính sách, ông Phạm Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trưởng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Nhà nước cần có tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, ai được hưởng chính sách ưu đãi. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Huy Vũ, cố vấn Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Seaholdings mong muốn, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có thể ban hành những chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện để người trẻ dễ dàng tiếp cận và có cơ hội sở hữu nhà ở, đồng thời, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển các dòng căn hộ có mức giá khoảng 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, giao đất sạch nhằm rút ngắn thời gian triển khai và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn.

Về phía cơ quan chuyên ngành, Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu, doanh nghiệp nên được tạo điều kiện để chủ động sử dụng quỹ đất của mình phát triển nhà ở xã hội, với mức giá được tính hợp lý. Đồng thời, Nhà nước cần đóng vai trò là "bà đỡ", hỗ trợ chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và đầu tư hiệu quả hơn.
Để giúp người trẻ có cơ hội sở hữu nhà, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực II cho biết, các ngân hàng thương mại hiện đang tích cực triển khai những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho người trẻ như gói lãi suất thấp, thời hạn vay dài, giúp người trẻ từng bước tiếp cận và sở hữu căn nhà đầu tiên, ổn định cuộc sống.