Vì sao phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết trầm lắng vào cuối tuần?
Phố Nguyễn Văn Tuyết vốn “có tiếng” với các món ăn đa dạng thu hút nhiều thực khách, nhưng từ khi trở thành phố ẩm thực dường như vắng khách hơn ngày thường.

Không gian mới, trải nghiệm mới
Tuyến phố ẩm thực mới nhất của Hà Nội là phố Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa) chính thức khai trương ngày 18-1-2025; hoạt động từ 18h-24h thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Trước khi trở thành phố ẩm thực, tuyến phố Nguyễn Văn Tuyết là địa điểm quen thuộc với nhiều quán ăn đa dạng. Các món như bún riêu cua, nem nướng Nha Trang, bánh cuốn Cao Bằng và các món ăn vặt khác đã thu hút nhiều thực khách, nhất là sinh viên các trường đại học trên địa bàn như Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi, Học viện Ngân hàng. Bên cạnh những món ăn truyền thống, nơi đây có thêm nhiều món mới xuất hiện và khá thu hút giới trẻ như: Những món ăn Hàn Quốc (chả cá, tokbokki...), bánh mì nướng Lạng Sơn...

“Vì không phải di chuyển quá xa, đồ ăn đa dạng với sinh viên, không gian khá thoáng đãng nên tôi hay rủ bạn bè ra phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết mỗi khi sinh nhật hoặc hoàn thành một môn thi nào đó”, Nguyễn Phương Dung (sinh viên Đại học Thủy lợi) chia sẻ.
Thái độ niềm nở, hiếu khách của các chủ quán và không gian sạch đẹp cũng góp phần khiến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết thành điểm đến tin cậy của nhiều người.
Bà Đặng Mỹ Hạnh (phố Thái Hà, quận Đống Đa) cho biết: “Người dân có thể đi bộ một cách thoải mái nhất, gần như không có xe đi vào trong này và hoạt động ăn uống cũng như sinh hoạt thuận tiện hơn. Các em bé có chỗ chạy nhảy vui chơi, người lớn tuổi như tôi thì sẽ đi bộ ở trong phố và có thể tập thể dục, dưỡng sinh”.
Liệu còn giữ được sức hấp dẫn?
Phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết đã thu hút sự chú ý của thực khách trong thời gian đầu khai trương, nhưng chỉ sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, con phố này đối mặt với tình trạng vắng khách vào cuối tuần. Lý giải cho tình hình này, không ít chủ cửa hàng nêu nguyên nhân là do nhiều hôm có sự kiện, chính quyền cơ sở cấm ô tô, xe máy lưu thông.


Cụ thể, với mức phí từ 10.000 đến 20.000 đồng/xe máy, thực khách phải gửi xe ở đầu phố và đi bộ một quãng khá dài (tuyến phố Nguyễn Văn Tuyết dài 840m) để vào các quán ăn. Điều này gây bất tiện, đặc biệt với sinh viên, những người không có thói quen đi bộ hoặc không muốn chi thêm tiền cho việc gửi xe.
“Cuối tuần rất vắng khách, doanh thu giảm sâu vì mọi người rất ngại đi từ xa vào đây ăn một suất nem nướng 40.000 đồng mà lại phải gửi xe mất 10.000 đồng”, chị Hoàng Thị Trường, nhân viên quán Cuốn ngon 4 mùa cho hay.
Chính vì vậy, phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết thường có ít khách vào cuối tuần, trong khi các ngày trong tuần nhộn nhịp hơn. “Đông nhất vào thứ năm, thứ sáu, còn thứ bảy và chủ nhật ít khách hơn”, ông Nguyễn Hiếu Lâm, ca trưởng bảo vệ quán nhậu Tự Do cho biết.
Bên cạnh đó, phố Nguyễn Văn Tuyết còn thiếu các hoạt động văn hóa, giải trí đặc sắc như những tuyến phố ẩm thực khác tại Hà Nội, như Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) hay Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình). Tại những khu vực này, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, các lễ hội ẩm thực kết hợp với văn hóa và các buổi giao lưu nghệ thuật thường xuyên được tổ chức, tạo không gian sống động, thu hút đông đảo khách tham quan.


“Phố đi bộ thì nên có những chương trình ca nhạc. Mọi người đi ăn phải có kết hợp vui chơi, nếu đi ăn không thì mọi người sẽ ít lui tới…”, chị Hoàng Thị Trường góp ý.
Điều này dẫn đến tình trạng một số quán ăn không thu hút được khách dịp cuối tuần, phải đóng cửa và dọn hàng quán từ sớm, gây lo ngại cho các chủ quán và người thuê mặt bằng.
“Người ta mất tiền gửi xe, trong khi tuyến phố này chưa có gì đặc sắc ngoài đồ ăn mà ăn ở đâu cũng có nên khách cũng ngại vào hơn nếu bắt gửi xe từ xa”, ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ cửa hàng chè Bốn mùa, chia sẻ.
Việc xây dựng một tuyến phố ẩm thực với không gian đi bộ là một ý tưởng mang lại nhiều tiềm năng, góp phần thúc đẩy văn hóa ẩm thực cũng như tạo điểm nhấn mới cho Hà Nội. Song, thực tế cho thấy, phố Nguyễn Văn Tuyết đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, chính quyền sở tại cần sớm có những điều chỉnh hợp lý hơn để con phố trở thành điểm đến ưu tiên trong lòng khách hàng gần xa.