Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội:25 năm đồng hành với trẻ khuyết tật
Là một tổ chức xã hội - từ thiện, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội được UBND thành phố ra quyết định thành lập vào năm 2000.
Trải qua 25 năm hoạt động, Hội đã góp phần huy động các nguồn lực từ xã hội nhằm hỗ trợ công tác giáo dục chuyên biệt, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho hơn 12.000 trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố.

Trợ giúp thiết thực
Hành trình hoạt động của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội là hành trình tập hợp và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước trợ giúp trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các em được chăm sóc sức khỏe, chữa tật và phục hồi chức năng. Thông qua hoạt động của Hội, các em được học văn hóa, được hướng nghiệp và dạy nghề. Đặc biệt, các em được hưởng các hoạt động chăm sóc về tinh thần, có cơ hội được sống bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng.
Trung tâm Hy vọng - nơi đang chăm sóc hơn 50 trẻ có rối loạn phổ tự kỷ hoặc bị di chứng về não, chậm phát triển trí tuệ... - là một trong các đơn vị thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Hy vọng Đỗ Thúy Nga cho biết: “Cô và trò Trung tâm luôn được tiếp nhận các món quà thiết thực từ Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội và các nhà hảo tâm, nhất là vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4, Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Cùng với đó, Hội luôn đồng hành với chúng tôi trong công tác chăm sóc trẻ khuyết tật, từ việc thăm khám, hỗ trợ phục hồi chức năng, cho đến việc hỗ trợ gia đình các em vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Cùng với Trung tâm Hy vọng, nhiều đơn vị chăm sóc, giáo dục trẻ chuyên biệt như Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Trường dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì… đều có dấu ấn đặc biệt và sự đồng hành của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Bùi Văn Tuấn, xác định công tác vận động tài trợ là điều kiện quyết định cho thành công trong mọi hoạt động, Hội đã duy trì tốt công tác vận động cộng đồng, trợ giúp trẻ khuyết tật dưới nhiều hình thức. Từ năm 2004 đến nay, trung bình mỗi năm, Hội vận động được trên 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2024 vừa qua, Hội đã nhận được sự trợ giúp (tiền và hiện vật quy đổi) trị giá gần 5 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội đã liên kết và phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án trợ giúp trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với sự tài trợ của Tổ chức Trẻ em Rồng xanh (Australia), Hội huynh đệ Âu - Á (Pháp); Tổ chức DONXA, Vương quốc Bỉ… Mỗi năm, các dự án này đã trợ giúp cho hàng trăm lượt trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được chăm sóc, giúp đỡ một cách thiết thực, hiệu quả để hòa nhập cộng đồng.
Hướng về cơ sở
Với Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng (nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy), hành trình thực hiện công tác xã hội - từ thiện thực sự là hành trình đầy xúc động và ý nghĩa. Đến với các trường, trung tâm giáo dục, chăm sóc chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, ông Nguyễn Kim Hoàng không chỉ kết nối các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân mang nguồn lực đến cho các em nhỏ, mà còn thường xuyên góp tiền cá nhân để tặng thêm cho các em.
Ông Nguyễn Kim Hoàng chia sẻ: “Việc được bầu làm Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2027 chính là cơ hội để tôi tiếp tục gắn bó với công tác xã hội - từ thiện, qua đó, nối dài chuỗi công tác hơn 40 năm của tôi trước đó, đặc biệt là trong công tác dân vận, góp phần làm tròn nghĩa vụ của người đảng viên, gắn bó mật thiết với nhân dân. Từng góp phần làm tốt vai trò cầu nối giữa Ban Dân vận Thành ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội, nay tôi thấy hạnh phúc khi tiếp tục được phát huy kinh nghiệm và công sức để hỗ trợ trẻ em khuyết tật, chăm lo cho những số phận thiệt thòi trong xã hội”.
Điều đáng quý là Hội luôn tập hợp được những người có trình độ, có kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, có tấm lòng nhân ái, không quản thời gian, công sức để đóng góp cho sự phát triển của Hội như vậy.
Phát huy kết quả đạt được qua 25 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, ông Nguyễn Kim Hoàng cho biết: “Trước mắt, chúng tôi tiếp tục duy trì các dự án và nguồn tài trợ truyền thống, đồng thời tăng cường tìm kiếm và phát triển thêm các dự án và nguồn tài trợ mới. Cùng với đó là đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, tập trung vào các mục tiêu cụ thể trong công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, dạy văn hóa, dạy nghề, quan tâm tới các hoạt động bảo đảm đời sống tinh thần cho trẻ khuyết tật”.