Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Những dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975Bài 2: Chiến thắng Huế - Đà Nẵng: Đánh nhanh, thắng lớn
Sau chiến dịch Tây Nguyên, nhằm phá tan tuyến phòng thủ then chốt của địch ở miền Trung, tạo hành lang chiến lược thuận lợi cho đòn đánh cuối cùng vào Sài Gòn, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định tiến hành chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Đây là một trong ba đòn tiến công chiến lược quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tạo thế và lực để tiến công vào Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thần tốc tiến công
Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột và thắng lớn trên chiến trường Tây Nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị khẳng định: Thời cơ chiến lược đã đến, hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, chuyển phương án cơ bản sang phương án thời cơ, hoàn thành kế hoạch trong hai năm 1975-1976 ngay trong năm 1975, với hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Nhưng trước mắt nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong Vùng chiến thuật 1, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế, Đà Nẵng.
Ngày 5-3-1975, chiến dịch Trị - Thiên bắt đầu. Chủ lực ta tiến hành nghi binh ở Bắc Quảng Trị, đồng thời, lực lượng địa phương đánh nhỏ trên các trục đường giao thông, bao vây uy hiếp địch ở tuyến giáp ranh, kết hợp với các hoạt động vũ trang tuyên truyền.
Trên chiến trường Quảng Nam - Quảng Ngãi, rạng sáng ngày 10-3, phần lớn lực lượng chủ lực Quân khu 5 tiến công vào Tiên Phước - Phước Lâm - cụm cứ điểm tiền tiêu của địch phòng ngự Tam Kỳ. Đây là đòn đánh vào nơi hiểm yếu trong tuyến phòng ngự của địch. Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm mở đầu cho chuỗi phản ứng dây chuyền chia cắt thế trận Nam Quân khu 1 Quân đội Sài Gòn, cô lập địch ở Đà Nẵng từ hướng Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta giải phóng khu liên hiệp quân sự lớn nhất miền Trung.
Từ bàn đạp Tiên Phước - Phước Lâm, Sư đoàn 2 Quân khu 5 đẩy mạnh tiến công chọc thủng tuyến ngăn chặn của địch ở Tây Nam Kỳ vào ngày 21-3.
Cùng lúc đó, Quân đoàn 2 bắt đầu tiến công giải phóng thành phố Huế từ hướng Tây Nam. Ở Quân khu 5, lực lượng vũ trang địa phương của 3 tỉnh Quảng Đà - Quảng Nam - Quảng Ngãi tập trung thành từng quả đấm tương đối mạnh, tổ chức thành thế trận liên hoàn giữa các đòn tiến công của bộ đội chủ lực với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng tiến hành căng kéo, chia cắt lực lượng cơ động của quân ngụy, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn địch, giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24-3, thị xã Quảng Ngãi ngày 25-3. Cùng ngày 25-3, thành phố Huế cũng được giải phóng.
Tam Kỳ, Huế, Quảng Ngãi được giải phóng, thành phố Đà Nẵng - căn cứ liên hiệp quân sự của Mỹ - ngụy lớn nhất miền Trung trở thành “ốc đảo”, chỉ có thể liên lạc với các vùng còn lại bằng đường biển và đường không. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “tử thủ” Đà Nẵng. Lúc này Bộ Chính trị nhận định: “Sau khi mất Huế và Tam Kỳ dù địch có muốn giữ Đà Nẵng cũng không thể giữ được”.
Lực lượng địch ở Đà Nẵng khoảng 75.000 tên, gồm: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn bộ binh 3, Liên đoàn biệt động quân 15, hai thiết đoàn, 7 tiểu đoàn pháo binh, Sư đoàn không quân 1 (gồm 279 máy bay các loại, 96 máy bay chiến đấu), 3.000 tân binh ở Trại huấn luyện Hòa Cầm, 15 tiểu đoàn bảo an, 240 trung đội dân vệ, 24.000 phòng vệ dân sự có vũ trang, 5.000 cảnh sát, tàn quân từ Huế chạy vào và từ Quảng Nam chạy ra. Ngoài ra, tàu chiến Mỹ còn kéo đến biển Đà Nẵng làm lực lượng “ngăn đe”.
Ngày 25-3, Bộ Tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng được thành lập. Chiến dịch Đà Nẵng diễn ra làm hai đợt. Đợt 1, từ ngày 26 đến ngày 28-3, ta đánh chiếm các vị trí vòng ngoài, triển khai lực lượng áp sát Đà Nẵng. Ở hướng Bắc, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) đánh căn cứ Lữ đoàn thủy quân lục chiến của địch ở đèo Phước Tượng, Ga Thừa Lưu và Đồn Thổ Sơn, đèo Phú Gia, đánh địch phản kích ở Lăng Cô. Đến 20h ngày 28-3, ta hoàn toàn làm chủ khu vực này, tạo bàn đạp đánh lên đèo Hải Vân. Hướng Nam, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đánh chiếm Thăng Bình, Duy Xuyên và Nam Phước... Các hướng khác cùng đưa được lực lượng vào vị trí xuất phát tiến công, áp sát Đà Nẵng.
Đợt 2 diễn ra vào ngày 29-3, pháo binh Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn phá sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, bán đảo Sơn Trà... ở hướng Nam. Sư đoàn 2, sau khi tổ chức vượt sông vào đêm 28-3, đến 5h ngày 29-3, sử dụng Trung đoàn 38 chiếm Vĩnh Điện và phát triển về Non Nước, sân bay Nước Mặn, rồi tiến ra hướng Sơn Trà; Trung đoàn 1 tiến vào Đà Nẵng, đánh tan cụm quân địch ở bến đò Xu, sau đó phối hợp với một bộ phận của Trung đoàn 96, Tiểu đoàn 941 và Đội biệt động Lê Độ đánh vào các mục tiêu trong thành phố.
12h ngày 29-3, Trung đoàn 1 chiếm Sở Chỉ huy Quân khu 1 - Quân đoàn 1 (Quân đội Sài Gòn) và sân bay Đà Nẵng. Lúc 8h ngày 29-3, Trung đoàn 97 của Quân khu 5 đánh chiếm Hội An, sau đó đánh địch ở An Đông, Mỹ Khê và phát triển về Sơn Trà. Hướng Bắc, Sư đoàn 325 đánh địch ở đèo Hải Vân, chiếm kho xăng Liên Chiểu và tiến vào trung tâm thành phố lúc 12h. Hướng Tây Bắc, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) đánh Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 của địch ở Phước Tượng, sau đó phát triển đánh chiếm Tòa thị chính. Hướng Tây Nam, Trung đoàn 24 đánh chiếm các điểm cao 1005, 1078, 918 ở núi Đồng Lâm; Trung đoàn 66 đánh Phú Hưng, Ái Nghĩa và căn cứ Hòa Cầm, sân bay Đà Nẵng. 15h ngày 29-3, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.
Như vậy, sau hơn 3 ngày tiến công thần tốc, chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng của các lực lượng Quân khu 5 và Quân đoàn 2 đã giành thắng lợi, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của Quân khu 1 - Quân đoàn 1 địch, giải phóng toàn tỉnh Quảng Đà.
Thắng lợi của sự đoàn kết
Đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị gấp. Thắng lợi to lớn của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Trên chiến trường có sự kết hợp giữa hai lực lượng quân sự và chính trị, giữa tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng được tiến hành có kế hoạch, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, tất yếu giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi của đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng làm thay đổi cục diện thế chiến trường miền Nam theo hướng ngày càng có lợi cho ta; tạo ra một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn từ miền Bắc vào đến Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung Trung Bộ, hình thành vùng hậu phương chiến lược hoàn chỉnh để bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho những cụm lực lượng tiến công với quy mô lớn, trên cả đường bộ, đường không và đường biển, tập trung lực lượng áp đảo quân thù trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vào sào huyệt địch.
Nền tảng, nguồn gốc của những thắng lợi đó là sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cả nước ra trận với khát vọng độc lập tự do, với quyết tâm “đánh cho ngụy nhào”, cùng khí thế thần tốc chưa từng có trong lịch sử.
Nền tảng đó xuất phát từ đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xuất phát từ truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc, từ tình cảm giai cấp, dân tộc - tình đồng chí, đồng đội, tình nghĩa đồng bào, Bắc - Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt, miền Nam hướng về miền Bắc cội nguồn cách mạng.
Thắng lợi của đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng năm 1975 còn thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ huy tài tình của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh các chiến dịch; thể hiện nghệ thuật quân sự Việt Nam về đánh giá đúng tình hình so sánh lực lượng địch - ta, về chọn đúng hướng, đúng đối tượng và mục tiêu tiến công chủ yếu, về nhạy bén phát hiện thời cơ, kịp thời tận dụng thời cơ, tạo thêm thời cơ, kiên quyết nâng cao tốc độ tiến công, về vận dụng cách đánh sáng tạo trong chiến dịch và những trận đánh lớn then chốt có ý nghĩa quyết định làm thay đổi cục diện chiến trường. Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, những giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi ngời sáng.
(Còn nữa)