Khoa học - Công nghệ

Bí kíp sinh tồn ở tầng cao khi xảy ra động đất

Tin và ảnh Thu Hằng 28/03/2025 - 16:58

Khi xảy ra động đất, nếu buộc phải di chuyển, người dân không sử dụng thang máy. Tuy nhiên, cũng hạn chế sử dụng cầu thang bộ vì cầu thang rất dễ bị trượt hoặc sụt xuống. Trường hợp đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay...

xuan-anh.jpg
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dù trận động đất xảy ra tại Myanmar vào lúc 13 giờ 20 phút 20 giây ngày 28-3-2025 (giờ Hà Nội) có độ lớn M= 7.3 độ Richter nhưng Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần chỉ đánh giá rủi ro thiên tai cấp độ 0 vì đây là cảnh báo cho Việt Nam, nơi ở cách xa khu vực tâm chấn. (Dĩ nhiên cảnh báo ở khu vực tâm chấn sẽ khác).

Theo các chuyên gia, không ai biết trước những thảm họa thiên nhiên liệu có thể xảy đến vào lúc nào nhưng nếu trang bị và nắm rõ một số kỹ năng căn bản thì người dân vẫn có thêm nhiều cơ hội để cứu bản thân và gia đình khi động đất ập đến.

Trước tiên, trong cuộc sống hằng ngày, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn như tránh đặt vật nặng lên cao, khi thấy biểu hiện rung lắc của động đất thì phải bình tĩnh tắt bếp gas và ẩn nấp dưới gầm bàn hoặc gầm giường chắc chắn; tránh xa đồ thủy tinh, cửa sổ hoặc những gì có thể rơi vỡ... Nếu không có bàn để nấp thì cuộn mình, dùng tay che đầu và trú trong các góc của ngôi nhà.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên nằm yên, bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống hoặc chui xuống gầm giường để tránh đồ vật hoặc đèn treo trên trần có thể rơi xuống. Ở yên trong nhà và tìm chỗ trú ẩn cho đến khi động đất qua đi

Đặc biệt, nếu phải di chuyển, người dân không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ (nên hạn chế vì cầu thang rất dễ bị trượt hoặc sụt xuống khi động đất xảy ra). Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ.

Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, dây cáp, đường hầm, các cây cầu, cột đèn. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất.

Sau động đất, người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Tuyệt đối không chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ…

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, thủ đô Hà Nội là địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình quan trọng được xây dựng. Vì vậy, “Hà Nội cần có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn, trong đó cập nhật các trận động đất mới, từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành để phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở các quận nội thành để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra” – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh đề xuất.