Khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ - chìa khóa để hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Sáng 28-3, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo: “Khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp: Đòn bẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Hà Nội”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ nêu rõ: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là hạt nhân của đổi mới sáng tạo, động lực cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tri thức. Phát triển lực lượng doanh nghiệp tiên phong này là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển khoa học công nghệ, có ý nghĩa tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Bà Lê Thanh Hiếu - Nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, tính đến 31-12-2024 Hà Nội đang dẫn đầu với 181 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được chứng nhận trên tổng số 920 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước.
Cơ sở hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội khá đa dạng. Hơn 1/2 trong số đó có sản phẩm hình thành từ phần mềm và khoảng 1/4 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội có sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
Bà Hiếu nhìn nhận, đến nay, các sở - ngành của Hà Nội đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nhận thức của các cơ quan thực thi chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt là cơ quan quản lý thuế đã thay đổi theo hướng tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp khoa học và công nghệ gặp vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi về cơ bản đã được xử lý, tạo đồng thuận giữa các cơ quan quản lý và niềm tin cho cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Mặc dù có tiềm năng, lợi thế để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng thực tế việc phát triển này chưa tương xứng: Số lượng còn ít, quy mô chủ yếu nhỏ và vừa, sức cạnh tranh chưa cao. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều rào cản, “điểm nghẽn” trong việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và tài sản trí tuệ (liên quan đến chính sách, vốn, kết nối, thương mại hóa...)

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã đưa ra 6 giải pháp, bao gồm:
Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách: Tạo lập khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, thống nhất. Cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường và hoạt động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Gia tăng giá trị và lợi ích (ưu đãi): Tăng cường, đổi mới các chính sách ưu đãi tài chính (thuế, vốn, tài trợ...). Cải thiện, mở rộng các hình thức hỗ trợ phi tài chính (hạ tầng, dịch vụ).
Thúc đẩy đăng ký và khai thác tài sản trí tuệ: Tạo nguồn cung tài sản trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp) dồi dào hơn thông qua khuyến khích đăng ký. Thúc đẩy hiệu quả việc khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Tăng cường kết nối và hợp tác: Kết nối hiệu quả các chủ thể:
viện/trường – doanh nghiệp – nhà đầu tư. Phát triển thị trường công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động.
Đổi mới thông tin, tuyên truyền và văn hóa đổi mới sáng tạo: Nâng
cao nhận thức xã hội về vai trò của doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phổ biến chính sách hiệu quả. Xây dựng văn hóa khuyến khích đổi mới sáng tạo.

“Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô, Nghị quyết số 193/2025/QH-15 và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô theo cấp số nhân. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội sẽ được tăng cả về số lượng (trước mắt đến năm 2030, tối thiểu có 400 doanh nghiệp khoa học và công nghệ) và chất lượng, xứng đáng là một trong 4 lực lượng khoa học và công nghệ chiến lược, quan trọng nhất, có vai trò, dẫn dắt những lĩnh vực then chốt, những định hướng trọng điểm và công nghệ chiến lược của Hà Nội và đất nước” – bà Lê Thanh Hiếu nhấn mạnh.