Nông nghiệp - Nông thôn

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025: Rút ngắn khoảng cách nông thôn - đô thịBài 3: Vượt khó để “cán đích”

Nguyễn Mai 28/03/2025 - 06:37

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song trong quá trình triển khai, Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" của Thành ủy Hà Nội vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, khiến một số chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng.

Chặng đường phía trước đặt ra cho nông thôn Hà Nội nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ để Chương trình số 04-CTr/TU “cán đích”; đồng thời, tạo động lực để Hà Nội vươn tới mục tiêu mới trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.

sx-nam.jpg
Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Quang Thái

Còn bất cập, hạn chế

Việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, công tác triển khai vẫn còn một số hạn chế. Đó là, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật ở một số địa phương thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế; quá trình chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, tiến độ thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện còn chậm so với các huyện khác trên địa bàn thành phố; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn đạt thấp, nhất là các tiêu chí liên quan đến thu nhập, cơ sở vật chất trường học, trung tâm văn hóa xã, sân vận động huyện, nhà văn hóa các thôn, hệ thống giao thông nội đồng…

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, các ngành kinh tế trong khu vực nông thôn trên địa bàn huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Chính vì vậy, mức thu nhập bình quân của Mỹ Đức còn thấp (đạt 69,5 triệu đồng/người/năm) so với bình quân chung khu vực nông thôn của thành phố (73,8 triệu đồng/người/năm). Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Trang, kết quả chưa cao do quá trình thực hiện trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

“Xuất phát điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện thấp, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu ngân sách thấp, khiến nguồn vốn đầu tư cho Chương trình khó khăn, khả năng đóng góp, huy động xã hội hóa hạn chế. Mỹ Đức đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ngành tiếp tục ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho huyện thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2025 để hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nâng chất tiêu chí huyện nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Trang trăn trở.

Còn tại huyện đang là “Lá cờ đầu” của thành phố trong phong trào xây dựng nông thôn mới với nhiều thành tích nổi bật; là huyện ven đô, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, Đan Phượng cũng đang thực hiện các tiêu chí để trở thành quận nhưng đến nay, người dân thuộc nhiều xã trên địa bàn huyện chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch tập trung.

“Hiện Đan Phượng còn 8/16 xã, thị trấn chưa có nước sạch. Nhà máy Nước mặt sông Hồng được khởi công đã lâu, kỳ vọng cung cấp nước sạch cho người dân Đan Phượng và các quận, huyện trên địa bàn thành phố, nhưng thi công chậm tiến độ. Huyện đề xuất thành phố sớm chỉ đạo chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án để cấp nước sạch tập trung phục vụ nhân dân trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng kiến nghị.

Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, công tác vệ sinh môi trường còn diễn biến phức tạp, nhất là việc xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương liên quan. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế. Một số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách, pháp luật và quy định về bảo vệ môi trường...

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, những năm qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại Hà Nội có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, nhất là trong chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, khiến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Mặt khác, đô thị hóa tại các địa phương trở thành quận trong tương lai đòi hỏi cần nghiên cứu, tính toán, xem xét kỹ lưỡng, hài hòa để thích ứng, phù hợp tiêu chí đô thị. Vấn đề môi trường, việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, nhất là nước thải ở các làng nghề... cũng đặt ra cho chính quyền các cấp ở Hà Nội những "bài toán" không đơn giản. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, khai mở tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Thủ đô cần có cách làm cụ thể, phù hợp...

Tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu

Trong số 33 chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025, hiện còn 11 chỉ tiêu cần tập trung phấn đấu để hoàn thành kế hoạch đến năm 2025.

Đó là: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu có hơn 80% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 100% làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc danh mục bảo vệ môi trường được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường; thành phố công nhận thêm hơn 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt 100%; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Năm 2025 được xác định là thời điểm “nước rút” để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời, cũng là thời điểm “về đích” của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo nhiệm vụ đặt ra đến hết năm 2025, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo và hoàn thành 11/32 chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai tổ chức thực hiện 11 chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2025 theo quy định.

Để thực hiện, Hà Nội tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; đồng thời, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố theo định hướng xây dựng nông thôn mới “có điểm đầu không có điểm kết thúc”. Thành phố đề nghị các huyện, thị xã chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, xã và huy động các nguồn khác trên địa bàn để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra. Hà Nội cũng huy động các quận tiếp tục nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới theo quy định, nhất là các huyện còn nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đối với chỉ tiêu thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện Hà Nội đã hoàn thành các tiêu chí, đang chờ Trung ương xem xét đánh giá, công nhận.

Với chỉ tiêu 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch về củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phân kỳ năm 2025 bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn. Tuy vậy, thực hiện chỉ tiêu 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn nhiều khó khăn, thành phố đề nghị UBND các huyện, thị xã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng của các hợp tác xã.

Đối với chỉ tiêu liên quan đến làng nghề, Hà Nội định hướng phát huy giá trị các di sản - di tích và làng nghề, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô; phát triển du lịch có trách nhiệm, hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa làng nghề dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích, bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề và các giá trị tài nguyên du lịch khu vực nông thôn Hà Nội, từ đó hình thành các tour/tuyến du lịch kết nối điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước, góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị làng nghề của Thủ đô...

Đối với chỉ tiêu còn khó khăn, như: Thu nhập của người dân nông thôn đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/ năm (năm 2024 ước đạt 73,8 triệu đồng/người/năm), thành phố đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành bằng được mục tiêu đã đề ra...

(Còn nữa)