Hoạt động sân khấu theo cơ chế tự chủ: Đòn bẩy cho sáng tạo nghệ thuật
Giải trí - Ngày đăng : 06:11, 04/12/2022
Giảm thiểu tình trạng “có sao dùng vậy”
Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật sân khấu nước ta hoạt động theo hai hình thức công lập hoặc tư nhân và đều có xu hướng hoạt động tự chủ.
Trong số 6 đơn vị công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, có duy nhất Nhà hát Múa rối Thăng Long tự chủ 100% chi thường xuyên, còn các đơn vị khác đang thí điểm mô hình tự chủ 30% chi thường xuyên. Từ năm 2016, toàn bộ 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thực hiện tự chủ tài chính. Trong đó, có 2 đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, còn các đơn vị còn lại được giao tự chủ 30-60% chi thường xuyên.
Nếu như trước đây được bao cấp, các đơn vị sân khấu thường “có sao dùng vậy” từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, thì khi sức ép phải tự chủ tài chính, tình trạng này được giảm thiểu.
Điển hình là Nhà hát Kịch Hà Nội hướng đến thực hiện những tác phẩm chất lượng, đề tài về gia đình, vấn đề “nóng” trong xã hội, chọn lựa kỹ kịch bản, đầu tư dàn dựng tác phẩm để bán được vé. Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tái hoạt động Rạp Chuông Vàng ở khu vực phố cổ Hà Nội và xây dựng các chương trình thu hút khách đến rạp. Ngay cả Nhà hát Múa rối Thăng Long có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động đón khách quốc tế, nhưng hơn 2 năm qua do dịch Covid-19, để bảo đảm tự chi thường xuyên, đơn vị đã xoay sang hoạt động biểu diễn các tác phẩm phục vụ khán giả trong nước, đồng thời tham gia sản xuất chương trình, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tổng hợp, đặc biệt là các chương trình lớn, như: Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31, Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản…
Các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực xã hội hóa hoạt động. Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với các đơn vị quốc tế thực hiện vở nhạc kịch “Alice in Wonderland” và vở kịch “Bến không chồng”; phối hợp với đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, đưa vở kịch “Người yêu… Hoa hậu” đến khán giả. Nhà hát Múa rối Việt Nam chọn hướng thu hút du khách trong và ngoài nước thông qua chương trình nghệ thuật “Âm vang đồng quê”. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp thực hiện dự án “Huyền sử Việt” được nhiều địa phương mời về biểu diễn…
Sân khấu tư nhân đương nhiên phải tự chủ hoàn toàn. Điểm sáng ở Thủ đô là Sân khấu Lệ Ngọc với kịch mục phong phú, có hàng trăm đêm diễn mỗi năm đều kín rạp.
Chủ động đổi mới, mở rộng
Theo Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cơ chế tự chủ mà các đơn vị sân khấu đang thực hiện đã kích thích sự sáng tạo, đổi mới. Theo đó, mọi thành phần đều phải chuyển động. Tác giả phải chủ động chào mời kịch bản với các đơn vị nghệ thuật và điều chỉnh nâng cao chất lượng. Đạo diễn, diễn viên cũng phải thay đổi cách dàn dựng, thể hiện cho hợp thị hiếu khán giả hôm nay…
Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng, trước sức ép phải bảo đảm đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ, lãnh đạo nhà hát đã thống nhất mở rộng hoạt động của đơn vị. Các nghệ sĩ múa rối được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp, qua đó có thêm khán giả, còn nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn, được thỏa sức sáng tạo trong không gian mới.
Nhìn từ hoạt động sân khấu tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du đưa ra hướng tham khảo về việc tiến tới tự chủ bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa: Kết hợp với các đơn vị có nhu cầu, kêu gọi nghệ sĩ cùng đơn vị đóng góp tài chính để thực hiện chương trình, xã hội hóa về cơ sở vật chất biểu diễn, kêu gọi nguồn đầu tư từ nước ngoài...
Cho rằng tự chủ là xu hướng tất yếu, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời tăng quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật công lập, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại về việc các đơn vị nghệ thuật truyền thống trên lộ trình tự chủ sẽ có nguy cơ mất bản sắc, vì ít dám đầu tư vào những tác phẩm lớn, nghiêm túc mà chỉ dựng những trích đoạn cải biên, chương trình tạp kỹ pha trộn. Do đó, cần xây dựng lộ trình tự chủ; hỗ trợ về mặt đào tạo, xây dựng đội ngũ…
Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cần có sự đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động của đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trước khi bắt đầu lộ trình tự chủ; xây dựng quỹ hỗ trợ, trung tâm bảo tồn, phát triển sân khấu truyền thống…
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đề xuất, bên cạnh sự chủ động của các đơn vị sân khấu, Nhà nước cần có chính sách về tự chủ đặc thù trong hoạt động nghệ thuật, có cơ chế đặt hàng tác phẩm chất lượng cao, đầu tư đào tạo tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn để thôi thúc sáng tạo nghệ thuật…