Có phải ''dao hai lưỡi''?
Giải trí - Ngày đăng : 08:25, 04/12/2022
Mượn mác "18+"
Đêm nhạc kỷ niệm 11 năm của 11 nghệ sĩ nhóm SpaceSpeakers diễn ra tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 12-11 vừa qua khiến nhiều khán giả cảm thấy “sốc”. Nhiều hình ảnh nhạy cảm, thậm chí phản cảm liên quan tới đêm nhạc đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trong đó, bị lên án nhiều nhất là hình ảnh rapper Binz đổ bia lên ngực vũ công, hình ảnh vũ công múa cột, vũ công uốn éo trên cây đàn piano...
Trước những lời chỉ trích, đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết, trước thềm sự kiện, SpaceSpeakers đã truyền thông về các quy định đối với người dự concert, trong đó lưu ý show diễn này dành cho khán giả có độ tuổi từ 18 trở lên. Nếu ai dắt theo người chưa đủ 18 tuổi thì phải tự chịu trách nhiệm quản lý trẻ, nếu không thì sẽ không được dự concert.
Tuy nhiên, theo phản hồi của khán giả tới xem trực tiếp, phía thực hiện chương trình không "dán nhãn cảnh báo" về độ tuổi ở trên vé. Ngoài ra, ở cổng vào, Ban tổ chức cũng không kiểm tra độ tuổi, khán giả chỉ cần trình vé là có thể vào nhà thi đấu. Khoảng 5.000 khán giả đã tới xem chương trình này và phía tổ chức chương trình cũng công khai chia sẻ các hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội.
Về sự việc nói trên, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến phản hồi công khai. Theo bà Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, việc Ban tổ chức cho rằng chương trình có dán nhãn "18+" là điều khó hiểu, vì theo quy định của pháp luật thì không có chương trình biểu diễn dán nhãn "18+". Vì vậy, ý kiến cho rằng Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cấp phép biểu diễn cho chương trình dán nhãn "18+" là vô lý.
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, Ban tổ chức đêm nhạc đã tự ý “khoanh vùng” để lách luật và giảm bớt sự chỉ trích từ cộng đồng. Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, chương trình SpaceSpeakers Live Concert - The Kosmik có dấu hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý cộng đồng. Một số hình thức trình diễn của nghệ sĩ trong chương trình đã gây dư luận xấu. Do vậy, Ban tổ chức chương trình sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Con dao hai lưỡi?
Hiện nay, pháp luật chưa quy định việc dán nhãn "18+" với các chương trình biểu diễn trực tiếp mà mới chỉ áp dụng với các chương trình truyền hình, phim ảnh. Thế nhưng, ngay cả với phim ảnh, việc "dán nhãn" cũng gây ra những bất cập.
Thời gian gần đây, một số nhà làm phim đề xuất “cởi trói” hoàn toàn cho điện ảnh, không nên kiểm duyệt theo hướng yêu cầu cắt các cảnh nhạy cảm hay cấm phổ biến mà chỉ thực hiện phân loại phim theo độ tuổi. Như vậy thì chắc chắn số lượng phim được dán nhãn "18+" sẽ tăng cao bởi nhà sản xuất chỉ cần “mác” này là an toàn với những cảnh quay táo bạo, thậm chí là những chi tiết vốn được coi là trái với thuần phong mỹ tục.
Trong khi đó, nhiều người xem cho rằng, nhãn "18+" cũng có thể là một chiêu “hút khách” bởi điều đó khơi dậy sự tò mò ở khán giả trẻ vốn chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng khán giả tới rạp hiện nay. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu nhãn "18+” có phải là "con dao hai lưỡi" hay không, nhất là khi việc quản lý độ tuổi khán giả xem phim còn lỏng lẻo.
Liên quan tới điều nói trên, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Tiêu chí phân loại đối với từng độ tuổi cần cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng thì mới có thể tránh được sự tranh cãi, phản ứng trong quá trình phân loại phim. Cũng cần có quy định về việc hạn chế chiếu phim (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu...), thậm chí chỉ định một số rạp riêng để chiếu những phim được phân loại cao nhất (ví dụ C18). Bởi nếu chiếu tràn lan các phim “phân loại cao” như hiện nay thì việc phân loại phim có thể trở thành tác nhân kích thích sự tò mò của người xem trẻ tuổi, kể cả khán giả vị thành niên”.
Với các chương trình biểu diễn trực tiếp, do chưa có quy định nên hầu hết người xem phải tự phân loại dựa vào hiểu biết của mình về nghệ sĩ, về chương trình hay dựa trên khuyến nghị của đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, thực tế của việc phân loại độ tuổi với phim và chương trình truyền hình cho thấy, việc phân loại độ tuổi khán giả đối với các chương trình biểu diễn trực tiếp cũng có thể là giải pháp "lợi bất cập hại".
“Hòa nhập nhưng không hòa tan”, người làm chương trình nghệ thuật, phim ảnh Việt hãy lưu ý sáng tạo trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Phân loại độ tuổi là để phục vụ khán giả tốt hơn, đem tới giá trị tốt đẹp cho khán giả, chứ đừng dán nhãn chỉ để “lách luật”, “đối phó” hay coi đó là “chiêu trò” vì lợi ích trước mắt!