Độc đáo Không gian văn hóa - Bảo tàng Trà ở Đà Lạt
Bài và ảnh: Lâm Viên•08/03/2025 - 08:47
Cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km, tổ hợp Không gian văn hóa và Bảo tàng Trà Long Đỉnh vừa là điểm hẹn văn hóa độc đáo, vừa là điểm du lịch ấn tượng.
Không gian văn hóa - Bảo tàng Trà Long Đỉnh nằm giữa rừng thông tại khu Cầu Đất, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20km.
Những ngày đầu tháng 3-2025, chúng tôi đến tham quan Không gian Văn hóa Trà Long Đỉnh tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (khu Cầu Đất), thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, mới hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2022 đến nay.
Bảo tàng được đặt tại nơi cao nhất Đà Lạt, trên vùng đất nơi gần 100 năm trước, người Pháp lần đầu tiên trồng trà quy mô công nghiệp tại Việt Nam, hiện thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Trên diện tích hơn 3.500m2 sát rừng thông mơ mộng, đây là không gian văn hóa trà đầu tiên tại Việt Nam; là bảo tàng trà duy nhất tính đến thời điểm hiện tại và cũng là nơi giới thiệu thế mạnh sản phẩm ngành trà của tỉnh Lâm Đồng.
Thăm Bảo tàng trà, du khách bất ngờ khi nghe giới thiệu Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ trà lớn nhất thế giới, với sản lượng hằng năm đạt khoảng 500 nghìn tấn; lượng trà xuất khẩu đạt hơn 230 triệu USD/năm.
Không gian văn hóa - Bảo tàng Trà Long Đỉnh đặt tại khu vực Cầu Đất, nơi vào năm 1927, người Pháp đã lần đầu tiên mang cây trà đến Việt Nam để trồng thử nghiệm tại đây. Thổ nhưỡng vùng cao nguyên cao hơn 1.600m so với mặt nước biển phù hợp, nhiều giống trà quý phát triển tốt nên những đồn điền trà dần phát triển trên vùng đất này, mang theo đó kỹ nghệ sản xuất, văn hóa thưởng trà riêng có của Việt Nam, với sự tiếp thu những tinh túy văn hóa trà từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ả rập, châu Âu và Việt Nam.
Hình ảnh về cây trà San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc tại vùng biên giới phía Bắc Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Trà, minh chứng cho ngành thủ công trồng và chế biến trà lâu năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 1927, người Pháp mới mang những giống trà trồng và chế biến quy mô công nghiệp vào trồng ở Đà Lạt.Năm 1927 cũng là thời điểm bắt đầu hình thành ngành trà xuất khẩu từ Việt Nam. Công nghiệp trồng và chế biến trà tại Đà Lạt cũng góp phần dần hình thành văn hóa thưởng thức trà mang nét riêng của người Việt, có tiếp thu tinh hoa văn hóa trà châu Á và thế giới.Công cụ chế biến trà thủ công tại đồn điền trà Cầu Đất năm xưa, nay được trưng bày tại Bảo tàng Trà Long Đỉnh.Theo cách chế biến, bảo quản xưa, trà được đóng thành bánh, bảo quản trong các túi vải.Đây là một trong những gian trưng bày ấn tượng tại Bảo tàng Trà Long Đỉnh.Một không gian trưng bày đậm chất Việt tại Bảo tàng Trà.
Đặc biệt, năm 1988, cây giống trà Ô Long được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam và trồng tại vùng đất này rồi nhân rộng ra nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng, bởi cây trà giống quý này phát triển tốt trên vùng đất có thời tiết lạnh, lượng mưa, độ ẩm thích hợp.
Từ đầu những năm 1990, giống trà Ô Long được trồng tại Cầu Đất (Đà Lạt), được chế biến quy mô công nghiệp đã đánh dấu bước tiến mới của ngành trà Lâm Đồng và Việt Nam.Các công đoạn chế biến trà vừa công nghiệp, vừa thủ công cùng với chất trà Ô Long đặc biệt cô đọng từ đất và nước vùng cao nguyên Đà Lạt đã làm ra những sản phẩm trà độc đáo.Rời Bảo tàng trà, du khách được đến với không gian văn hóa trà, giới thiệu các sản phẩm và cách thưởng trà độc đáo đến từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ả rập, châu Âu và Việt Nam.Tại đây, du khách có thể tìm hiểu và thưởng thức miễn phí nhiều loại trà đặc biệt.
Riêng tại vùng Cầu Đất quanh năm sương phủ núi cao, nắng ấm trung bình, làm cho lá trà dày, chồi mềm… nên tạo được phong thái riêng của trà Ô long Long Đỉnh Việt Nam so với cùng giống trà này trồng ở các vùng đất khác.
Một cây trà gần 100 năm tuổi được lưu trồng tại Không gian văn hóa - Bảo tàng Trà Long Đỉnh.Đây là Bảo tàng trà duy nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại và đang là điểm đến hấp dẫn với du khách khi tới Đà Lạt.