Góc nhìn

Tạo đột phá từ nguồn nhân lực công nghệ

Hà Trang 25/02/2025 - 06:10

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng, điều kiện tiên quyết để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Việt Nam hiện có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chức năng đào tạo về các ngành công nghệ kỹ thuật. Số lượng sinh viên Việt Nam mỗi năm theo học các ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật… chiếm khoảng 27-29% tổng số sinh viên đại học, tương đương khoảng 560.000-600.000 sinh viên.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, hiện chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực công nghệ. Đơn cử, đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin dự kiến cần đến 700.000 nhân sự, nhưng thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 530.000 người. Việc thiếu những công nhân, kỹ sư có tay nghề cao đang làm hạn chế năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp. Chưa kể, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam đều có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, ít khả năng vươn tầm quốc tế; chủ yếu mới tham gia vào một số công đoạn của mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực mang thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Nhằm nhanh chóng khắc phục sự thiếu hụt nhân lực cho phát triển khoa học, công nghệ, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 374/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành ít nhất 1 hoặc 2 mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng trong mỗi lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0; phấn đấu mỗi mạng lưới thu hút được ít nhất 100 nhà khoa học và chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Để có thể phát triển nhanh các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh trở thành hạt nhân các mạng lưới đào tạo xuất sắc và tài năng ở bậc sau đại học, vấn đề quan trọng là các bộ, ngành, địa phương cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trước mắt, tập trung đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm đào tạo mạnh ở ba miền Bắc - Trung - Nam trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.

Cùng với đó, hỗ trợ phát triển mô hình gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua cơ chế đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ học phí, cấp học bổng để thu hút và nâng cao chất lượng người học trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên.

Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Chú trọng hợp tác chuyển giao công nghệ gồm công nghệ nguồn, công nghệ lõi... Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong nước liên kết với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ về công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0…

Có như thế chúng ta mới tạo được nguồn động lực mới, để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố đột phá, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.