Y tế

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025):Lấy lợi ích của người bệnh làm “thước đo”

Bảo Thanh 24/02/2025 18:27

Quá tải, ùn ứ, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm từ lâu đã trở thành “vấn nạn” đối với nhiều bệnh viện. Trước thực tế đó, suốt 5 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang không ngừng nỗ lực đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số, số hóa quy trình khám, chữa bệnh và quản trị bệnh viện.

Giờ đây, bệnh viện đã trở thành một trong những điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô trong thực hiện chuyển đổi số, rút ngắn quy trình khám bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

yte1c.jpg
Việc ứng dụng công nghệ số tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang giúp rút ngắn thời gian và chi phí khám, chữa bệnh.

Cái gì có lợi cho người bệnh thì ưu tiên

Trước đây, mỗi ngày đến bệnh viện, chứng kiến cảnh bệnh nhân xếp hàng dài chờ khám, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đã xác định rõ quyết tâm phải cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cắt giảm thủ tục hành chính thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Ông nhấn mạnh: “Công cuộc chuyển đổi số tại bệnh viện luôn lấy lợi ích của người bệnh làm thước đo. Bất cứ điều gì có lợi cho bệnh nhân, chúng tôi đều ưu tiên thực hiện trước. Do đó, vấn đề đặt lịch hẹn khám là công việc cần giải quyết đầu tiên” - bác sĩ Nguyễn Văn Thường chia sẻ.

Không còn cảnh phải đi khám bệnh, lấy thuốc từ tờ mờ sáng và xếp hàng chờ đợi, bà Nguyễn Thị Năng (69 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) phấn khởi khi được nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hỗ trợ đặt lịch hẹn khám từ trước. Khi đến viện, bà chỉ cần đăng ký khám qua nhận diện khuôn mặt hoặc căn cước công dân gắn chip, hoàn tất thủ tục trong chưa đầy một phút. Bà Năng vui mừng chia sẻ: “Bây giờ đi khám nhàn hơn trước nhiều, chỉ cần có mặt trước giờ hẹn 5 - 10 phút là vào khám luôn. Thậm chí, người bệnh không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi trực tiếp qua tin nhắn điện thoại và cập nhật trên phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để bác sĩ theo dõi”. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang gọi mô hình khám bệnh thông minh này là “khoang máy bay”, bởi cách vận hành tương tự như đặt vé máy bay. Người bệnh có thể lựa chọn chuyên khoa, giờ khám theo nhu cầu cá nhân. Đến đúng lịch hẹn, họ không cần xếp hàng, lấy số mà chỉ cần quẹt mã để vào thẳng phòng bác sĩ, với mọi thông tin đã được tích hợp sẵn trên hệ thống. Nếu cần thực hiện thêm xét nghiệm, thay vì nhận phiếu chỉ định và chờ đợi đến lượt, bệnh nhân chỉ cần sử dụng mã số (QR code) cá nhân. Nhân viên y tế tại phòng cận lâm sàng sẽ tự động nắm được danh mục xét nghiệm cần thực hiện. Kết quả xét nghiệm sau đó sẽ được gửi trực tiếp đến tin nhắn điện thoại của bệnh nhân và cập nhật trên phần mềm quản lý bệnh viện để bác sĩ theo dõi và đưa ra kết luận. Nhờ chuyển đổi số, tổng thời gian khám ngoại trú, bao gồm cả xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, điện tim đồ, nội soi… nay chỉ mất khoảng 1,5 tiếng, giảm một nửa so với trước đây.

Trong điều trị nội trú, mỗi bệnh nhân nhập viện đều được cấp vòng đeo tay gắn mã số (QR code) tích hợp trong ứng dụng “App đi buồng”. Các bác sĩ chỉ cần sử dụng điện thoại có cài đặt ứng dụng này để truy cập nhanh thông tin người bệnh, từ lịch sử điều trị, dị ứng thuốc đến chỉ số sinh tồn. Nhờ đó, bác sĩ có thể đưa ra y lệnh ngay tại giường bệnh và cập nhật trực tiếp lên hồ sơ bệnh án mà không cần ghi chép thủ công. Người bệnh cũng được xem kết quả chiếu chụp, siêu âm, xét nghiệm ngay trên ứng dụng. Đặc biệt, trước đây, một điều dưỡng phải mất 15 - 20 phút để hoàn tất y lệnh, bao gồm ghi chép hơn 10 loại giấy tờ cho mỗi bệnh nhân. Giờ đây, nhờ số hóa, thời gian này rút ngắn còn khoảng 5 phút, đồng thời đảm bảo cập nhật đầy đủ các chỉ số sinh tồn, kế hoạch chăm sóc và điều trị ngay trên hệ thống.

Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), việc số hóa và quản lý người bệnh bằng mã số điện tử giúp bác sĩ giảm đáng kể thời gian ghi chép, tìm kiếm thông tin. Nhờ áp dụng đồng bộ công nghệ vào tất cả các quy trình, từ khám ngoại trú, điều trị nội trú, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đến phát triển các ứng dụng hỗ trợ bác sĩ và người bệnh, các thủ tục hành chính được tinh gọn đáng kể. Điều này giúp bác sĩ có thêm thời gian để tập trung thăm khám, tư vấn, nâng cao chất lượng điều trị và sự hài lòng của người bệnh.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Trước đây, khi chưa ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng không thoát khỏi tình trạng quá tải, đặc biệt là vào đầu giờ sáng, đầu tuần ở khu khám bệnh, quầy thuốc và khu vực thanh toán. Thế nhưng, nhờ chuyển đổi số, đặt lịch hẹn khám đã giúp cho tỉ lệ khám sáng - chiều được cân đối lại. Thay vì dồn 80% vào buổi sáng, trong khi buổi chiều chỉ 20%, tỉ lệ này giờ đây là 45:55. Nhờ vận hành khoa học và hợp lý, bệnh viện không chỉ giảm tải hiệu quả mà còn nâng cao sự hài lòng của người bệnh, đồng thời hạn chế tối đa những phàn nàn, khiếu nại liên quan đến thủ tục hành chính và thái độ phục vụ.

Là bệnh viện hạng 1 của thành phố Hà Nội, với gần 1.000 giường bệnh và khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn duy trì được sự thông thoáng, môi trường sạch - đẹp và đặc biệt là không khí thân thiện giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Theo Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Thường, bước đầu chuyển đổi số gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ, đường truyền, hệ thống mạng nội bộ, máy chủ và giao thông ảo trong bệnh viện. Để vận hành trơn tru, toàn bộ hệ thống phải được đầu tư đồng bộ. Với một bệnh viện tự chủ, việc đầu tư vào công nghệ thông tin là thách thức lớn vì không mang lại doanh thu trực tiếp. Tuy nhiên, đổi lại, số hóa giúp tối ưu nguồn nhân lực, cắt giảm thủ tục hành chính và tinh gọn quy trình vận hành, từ đó tiết kiệm chi phí đáng kể. Từ kinh nghiệm thực tế, bác sĩ Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số chính là nhận thức của lãnh đạo. May mắn là Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã sớm nhìn nhận chuyển đổi số như chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề: Giảm tải lao động, hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả hơn, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính và đánh giá chính xác hiệu suất công việc, giúp bệnh viện quản trị tốt hơn.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cũng đóng vai trò then chốt. Họ không chỉ cần tiếp cận công nghệ mà còn phải chủ động học tập, nâng cao kỹ năng để áp dụng vào thực tiễn khám, chữa bệnh. “Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng và mục tiêu cuối cùng vẫn là phục vụ nhân dân. Vì vậy, bệnh viện liên tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho toàn bộ nhân viên. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thêm nhiều tiện ích công nghệ với mục tiêu cao nhất là hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chữa thành công một ca bệnh, chúng ta tự hào vì cứu được một con người. Nhưng để phục vụ hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày và khiến họ hài lòng, chúng ta buộc phải chuyển đổi số” - bác sĩ Nguyễn Văn Thường khẳng định.