Chính trị

Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Theo TTXVN 24/02/2025 13:35

Ngày 24-2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất năm 2025 để công bố Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; cho ý kiến về kết quả công tác cải cách tư pháp thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025, Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; đồng thời cho ý kiến về một số nội dung về rà soát, đánh giá pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

chu-tich-nuoc-tu-phap-1.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì phiên họp thứ nhất năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại Phiên họp, sau khi nghe Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả công tác cải cách tư pháp thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025, Ban Chỉ đạo đã đánh giá, trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và đạt được kết quả tích cực.

tuphap.jpg
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông trình bày Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Cụ thể, đã cho ý kiến trước khi Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật, 11 nghị quyết liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp; chỉ đạo các cơ quan rà soát, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về tư pháp. Các cơ quan tư pháp ở Trung ương đã tiến hành tổng kết thi hành pháp luật, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Quan tâm chỉ đạo hoàn thiện tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh, đủ về số lượng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

chu-tich-nuoc-tu-phap-2.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Cùng với đó, các cơ quan tư pháp ở Trung ương đã tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, góp phần kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư, xây dựng trụ sở, kho vật chứng, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án và giám định tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp; chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

chu-tich-nuoc-tu-phap-3.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất cao với dự thảo chương trình làm việc năm 2025 và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương./.