Văn nghệ

Ngọn đèn thơ lấp lánh nơi phố núi

Kim Loan 24/02/2025 - 12:13

Vài lần lê la cà phê phố núi đã tạo cơ duyên cho tôi được biết đến Lữ Hồng.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là khá bất ngờ, nếu như dáng người và khuôn mặt Lữ Hồng thật xinh xắn, ngây thơ thì lời thơ lại sâu sắc và “già dặn” hơn nhiều, luôn phảng phất nét buồn tinh khôi của một nàng thơ nơi phố núi.

o-cua.jpg

“Ô cửa vẫn sáng đèn” là tập thơ thứ hai của Lữ Hồng sau tập thơ “Một mai thức dậy”. Càng đọc tập thơ tôi càng thấy như mình đang đi “trong những chiều cao nguyên trắng gió” và “mặt trời mơ về núi/ có người băng mình qua nỗi nhớ/ đỏ bừng niềm yêu em” ("Mùa thu trắng").

“Ô cửa vẫn sáng đèn”, tên của tập thơ khiến tôi không ngừng tưởng tượng về một ô cửa nơi phố núi, trong đó thấp thoáng hình dáng một cô gái đang ngồi miệt mài viết những vần thơ, dù giữa mênh mông ngọn đèn ấy có khi tỏ khi mờ nhưng chưa bao giờ tàn lụi. Có phải đó chính là tình yêu sâu đậm mà Lữ Hồng đã dành cho thơ, dù “Trên miền cao này/ hơi ấm của đêm mỏng tan như thần thoại/ còn lạnh giá mênh mông” và cứ thế mà “gọi vào ta những câu thơ mê sảng/ kể lể nỗi mình với bảng chữ lặng câm” ("Đêm").

Ngay bài đầu tiên của tập thơ đã khắc họa thật rõ nét những điều mà nữ nhà thơ không nói bằng lời. Trong lối viết tự do đó ta có thể cảm nhận được một tâm hồn thơ đắm đuối mà bay bổng, phiêu lưu và say ngả nghiêng với những con chữ: “Đêm chữ nghĩa trụi trần/ bài thơ xoàng tôi không bán được/ mọt gỗ từng câu” ("Tự khúc").

Có thể nói, thơ của Lữ Hồng không quá cá tính, không nổi loạn, chỉ là nhẹ nhàng mà thẩm thấu, mà buồn, một nỗi buồn dịu ngọt. Nếu nói “văn là người” cũng không ngoa, bởi vì em mơ màng nên lời thơ cũng mênh mang, bởi vì em dịu dàng nên “tóc em bay thắt anh và sâu thẳm/ một sợi mềm như gió cao nguyên” ("Hãy tìm nhau giữa mùa xuân").

Tôi rất thích những thi ảnh mà Lữ Hồng đã tạo nên, một chút lãng mạn, một chút “núi rừng” và một chút gì đó rất riêng Lữ Hồng, chầm chậm khắc sâu khiến người ta nhớ mãi. “Men lá đọng cơn say/ ủ mùa xuân trên miền gió khát/ xin hãy nhớ cho/ người không đổi thay đất không sờn bạc/ lời ru gửi phía mặt trời” ("Khi mùa đến trong mắt nhau").

Có một điểm chung của văn nghệ sĩ phố núi là ai cũng rất tự hào về mảnh đất cao nguyên của mình, Lữ Hồng cũng không ngoại lệ. Thơ Lữ Hồng luôn ẩn hiện những hình ảnh của phố, của núi đồi, của con đường đất đỏ quanh co. “Phố về/ võng buồn dốc nhỏ ngẩng lên/ bụi đỏ hơi quen/ những trập trùng thắt lịm” ("Trên lối").

Phố núi chứng kiến câu chuyện tình của người thiếu nữ, những ngọt ngào, đắng cay và cả những tuyệt vọng: “Phố và núi cứ bên nhau/ ôm nỗi nhớ suốt đời không di tản/ những đêm chưa nằm đã sáng/ dòng thơ nào khép mở lòng tay” ("Phố núi của chúng mình"). Hay “Biển khan sóng/ núi rát thung sâu/ ai gọi tên mình giữa bóng đời điên đảo” ("Xác suất nào cho nhau").

Phố núi của Lữ Hồng lớn lên cùng ký ức, nơi tuổi thơ bên lời ru của mẹ, lời dạy của cha. Có thể thấy tình yêu quê hương và gia đình, cha mẹ, dù trong hoàn cảnh nào cũng đau đáu trong lòng tác giả: “Ta về đây cuộc lữ/ cao nguyên gió mịt mùng/ mây ngàn bay tóc Mẹ/ trắng một đời bao dung” (Nếu...). Và còn rất nhiều bài về ba, về mẹ mà khi đọc tôi không khỏi rưng rưng.

Tập thơ “Ô cửa vẫn sáng đèn” là một tập hợp những bài thơ “rất hiền”, cảm giác hiền như là tác giả vậy. Đó là tình yêu tha thiết với thơ, với phố núi và một chút buồn trong câu chuyện tình không trọn vẹn. Thay vì dằn vặt, gào thét, thơ của Lữ Hồng như một dòng suối dịu dàng chia sẻ với những tâm hồn đa cảm, chinh phục người đọc bằng những thi ảnh nhẹ nhàng, đủ để vấn vương, bâng khuâng nhớ một nàng thơ phố núi.

Lữ Hồng tên thật là Nguyễn Lữ Thu Hồng, sinh năm 1992, hiện là một giáo viên ngữ văn và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai.