Thủ tướng Israel tuyên bố về sự hiện diện quân sự tại vùng đệm với Syria
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 23-2 tuyên bố quân đội nước này sẽ duy trì sự hiện diện "vô thời hạn" tại đỉnh núi Hermon và vùng đệm dọc biên giới Syria.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan ở thành phố Holon, phía Nam thủ đô Tel Aviv, ông Netanyahu khẳng định: "Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiếp tục hiện diện tại đỉnh núi Hermon và vùng đệm vô thời hạn để bảo vệ các khu định cư của chúng ta và đối phó với mọi mối đe dọa".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Israel kêu gọi chính quyền mới của Syria thực hiện phi quân sự hóa hoàn toàn khu vực miền nam nước này, bao gồm các tỉnh Quneitra, Daraa và As-Suwayda.
Ông Netanyahu cũng đưa ra lời cảnh báo cứng rắn rằng Israel "sẽ không cho phép" các lực lượng có liên hệ với nhóm đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm vũ trang do Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa lãnh đạo, hoặc quân đội Syria mới tiến vào khu vực phía Nam Damascus.
Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12-2024, Israel đã triển khai lực lượng mặt đất vào vùng đệm, khu vực phi quân sự giữa Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát và lãnh thổ Syria.
Khu vực này được giám sát bởi Lực lượng quan sát viên của Liên hợp quốc (UNDOF), vốn được thành lập theo Thỏa thuận rút quân năm 1974. Sau đó, Israel cũng giành quyền kiểm soát phần núi Hermon thuộc Syria.
Động thái trên đánh dấu một bước leo thang mới trong tình hình an ninh tại khu vực, khi Israel khẳng định sẽ duy trì kiểm soát quân sự trong thời gian không xác định.
Trong khi đó, Syria hiện đang chuẩn bị tổ chức hội nghị đối thoại quốc gia kéo dài 2 ngày, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình tái thiết đất nước sau những biến động chính trị gần đây.
Hội nghị sẽ diễn ra từ 24-2 đến hết ngày 25-2, với sự tham gia của đại diện từ mọi thành phần xã hội Syria, nhằm đưa ra các khuyến nghị về phương hướng quản trị đất nước trong giai đoạn mới.
Theo thông tin từ hãng thông tấn nhà nước SANA, các thành viên ủy ban tổ chức Hội nghị đã tiến hành các cuộc họp tham vấn tại nhiều tỉnh thành của Syria, thu hút sự tham gia của khoảng 4.000 người dân về tầm nhìn tương lai của đất nước.
Chương trình của hội nghị sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực then chốt: công lý chuyển tiếp, hiến pháp, cải cách thể chế và kinh tế, thống nhất lãnh thổ Syria, cùng các quyền tự do công cộng, cá nhân và chính trị. Kết quả của hội nghị sẽ là nền tảng cho tuyên bố hiến pháp, định hình bản sắc kinh tế quốc gia và kế hoạch cải cách các thể chế.
Ủy ban tổ chức nhấn mạnh, hội nghị đánh dấu giai đoạn cuối cùng trong một tiến trình dài đòi hỏi nỗ lực tập thể bền bỉ nhằm xây dựng bản sắc quốc gia Syria mới, bảo vệ hòa bình dân sự và hiện thực hóa khát vọng của người dân Syria.
Diễn biến này diễn ra sau khi liên minh do nhóm HTS lãnh đạo nắm quyền vào ngày 8-12, với thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời vào tháng 1. Chính phủ lâm thời hiện tại sẽ điều hành đất nước đến ngày 1-3, khi một chính phủ mới dự kiến được thành lập, phản ánh "sự đa dạng" của người dân Syria.