Kinh tế

Thị trường bán lẻ nội địa:Hợp lực phát triển thương mại bền vững

Thanh Hiền 24/02/2025 - 06:33

Mặc dù sức mua còn yếu, áp lực cạnh tranh gay gắt nhưng thị trường bán lẻ nội địa vẫn là một trong những trụ cột đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và cả nước.

Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần hợp lực và có thêm giải pháp giúp thị trường bán lẻ phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh năm 2025 chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên.

sieu-thi-1.jpg
Thị trường bán lẻ nội địa là một trong những trụ cột đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và cả nước. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Go! Thăng Long (Hà Nội).

Người dân thắt chặt chi tiêu

Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2025 ước đạt 84,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng 12-2024 và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 55 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Đinh Thị Thúy Phương, bình quân giai đoạn 2015-2019, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. Như vậy, mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8,6% trong tháng 1-2025 của thành phố Hà Nội còn thấp. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn khó khăn.

Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu từ ngắn hạn sang dài hạn. Người tiêu dùng chọn nấu ăn tại nhà, giảm mua sắm những món đồ sang trọng, món đồ không cần thiết, hoãn các chi tiêu lớn… Đáng chú ý, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm ưu đãi trực tuyến để cắt giảm chi tiêu mua sắm hàng tạp hóa, đồng thời ưu tiên cho hàng hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có những điều chỉnh đáng kể trong chi tiêu, tạo sức ép lớn đến các doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ. Để kích thích sức mua, tìm kiếm cơ hội phục hồi, việc tái cấu trúc chiến lược được xem là điều bắt buộc với doanh nghiệp.

Liên kết để tạo sức bật tổng thể

sieu-thi-2.jpg
Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, các tháng khuyến mại tập trung trong năm 2025.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ở mức thấp so với trước đại dịch Covid-19 báo hiệu nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, sản xuất mà không tiêu thụ tốt sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi. Hơn nữa, tiêu dùng nội địa vốn là một trong “3 chân kiềng” động lực tăng trưởng kinh tế.

“Vì vậy, doanh nghiệp cần linh hoạt, nhanh chóng thích nghi, đổi mới và đánh giá lại chiến lược kinh doanh để phù hợp với những nhu cầu và xu hướng tiêu dùng hiện nay”, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà gợi mở.

Có thể thấy, bán lẻ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đây là lý do các doanh nghiệp lớn của ngành bán lẻ đã và đang nỗ lực đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, nhằm đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường nội địa trong năm 2025.

Để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, cần phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi, tác động và hỗ trợ trực tiếp nhà sản xuất, nhà phân phối. Các chính sách cần hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn, qua đó giúp các doanh nghiệp có thể phát triển. "Ngoài ra, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội, ví dụ du lịch hợp lực với thương mại, để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành", ông Nguyễn Anh Đức nêu.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu khu vực dịch vụ phát triển nhanh đi đôi với hiệu quả, bền vững, bảo đảm các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. "Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng là những giải pháp Hà Nội thực hiện", bà Nguyễn Kiều Oanh cho hay.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; đẩy mạnh chương trình liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, các tháng khuyến mại tập trung trong năm 2025, với mức giảm giá lên tới 100%. Đồng thời, Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp chủ động giảm giá, triển khai các chương trình khuyến mại riêng. Thực tế, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ đã liên tục giảm giá, khuyến mại, một mặt thu hút người tiêu dùng đến với hệ thống phân phối hiện đại, mặt khác là để chung tay cùng thành phố bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và cả nước.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp:

o-1.jpg

Khai thác động lực thúc đẩy tiêu dùng

Để thành phố Hà Nội đạt tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng đạt 2 con số cho giai đoạn 2026-2030, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương Hà Nội là phải khai thác các động lực mới, thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu; mở rộng không gian phát triển, các mô hình tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị…).

Cùng với phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành Công Thương Hà Nội tham mưu thành phố tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại; tập trung phát triển và quản lý thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Ngành Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo, sửa chữa các chợ trên địa bàn theo kế hoạch đề ra.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:

o-2.jpg

Quan tâm đúng mức thị trường nội địa

Để đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao, thành phố Hà Nội cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất và đầu tư xã hội, nhất là đầu tư công nhằm tạo ra thu nhập của người lao động, sức mua được tăng cao. Thành phố cũng cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai ở thị trường nội địa; tạo lập các chuỗi cung ứng ngắn, giảm bớt trung gian không cần thiết làm tăng chi phí xã hội và giá cả hàng hóa.

Ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cần có những chính sách quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa đầy tiềm năng đang trên đà phát triển mạnh mẽ và ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Cuối cùng, cần xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, lợi nhuận hài hòa, rủi ro chia sẻ, tiếp tục cải cách hành chính thông thoáng, ít chi phí nhất cho từng doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay ở thị trường nội địa.

Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân:

ba-3.jpg

Các nhà bán lẻ cần không ngừng đổi mới

Người tiêu dùng Việt ngày càng chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến và ưa chuộng các hình thức thanh toán không tiếp xúc. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải không ngừng đổi mới và nâng cao khả năng phục vụ, từ việc cải thiện trải nghiệm giao hàng đến việc tối ưu hóa các ứng dụng mua sắm.

Central Retail đã vạch ra chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm và mở rộng quy mô nhanh chóng. Một trong những chiến lược nổi bật là mở rộng các cửa hàng nhỏ, phục vụ cộng đồng tại các khu vực nông thôn và ngoại ô thành phố. Công ty cũng đang đầu tư mạnh vào các dịch vụ công nghệ số để tạo điều kiện thuận lợi cho mua sắm trực tuyến, hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử nội địa như Tiki và Shopee nhằm tăng cường sự hiện diện kỹ thuật số. Ngoài ra, Central Retail đã xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng để giữ chân người tiêu dùng.

Quang Minh ghi