“Từ điển” món ngon nước Việt bằng tranh
Minh họa ẩm thực hiện đã trở nên quen thuộc, đặc biệt với nhiều người trẻ. Sức hút của dòng tranh này càng được khẳng định khi những cuốn sách tranh ẩm thực đầy màu sắc được xuất bản.

Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới, trong đó có những món ăn nổi tiếng như phở, bánh mì, nem rán, bún bò Huế, bún chả, cà phê,... khiến nhiều khách nước ngoài phải “xiêu lòng” khi một lần được nếm thử.
Và tất nhiên, với mỗi người dân nước Việt, đất nước hình chữ S là thiên đường của ẩm thực, đặc biệt với các món ăn đường phố. Miền nào của nước Việt cũng có món ăn vặt níu chân du khách: “Nước mình vạn sáu món ngon/ Món thanh miền Bắc, món giòn miền Trung/ Món Nam vị ngọt lạ lùng/ Non cao biển rộng ta cùng tìm đi”. Tác giả Đặng Hồng Quân đã đưa người đọc bước vào hành trình đi tìm món ngon nước Việt qua cuốn sách tranh “Lê la quà vặt”.
Xuất bản năm 2017, hai cuốn sách “Lê la quà vặt” và “Ăn quà xuyên Việt” có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.
Nếu trước đây, độc giả đã quen thuộc với các trang tản văn, khảo cứu, du ký về ẩm thực với các món ăn, cách ăn, cách chế biến,... thì bộ đôi sách “Lê la quà vặt” và “Ăn quà xuyên Việt” như một sự tiếp nối và sáng tạo với cách viết chấm phá bổ trợ thêm thông tin của nhà văn Nguyễn Trương Quý nhằm làm rõ hơn, sâu hơn những gì mà tranh của Đặng Hồng Quân chưa thể hiện được hết. Viết và vẽ về phở, món quốc hồn quốc túy của người Việt, chẳng hạn, các tác giả không chỉ “ngợi ca” phở gà một cách khéo léo mà còn cung cấp vài địa chỉ phở gà nổi tiếng ở Hà Nội hay mách nhỏ cách ăn “chuẩn” với phở bò và phở gà.
Cũng ra mắt năm 2017 là cuốn sách “Việt Nam miền ngon” của tác giả LeRin. Như một cuốn “từ điển” với tranh vẽ và hộp thông tin đơn giản giới thiệu ngắn gọn về món ăn, thế nhưng “Việt Nam miền ngon” đã nhanh chóng thu hút độc giả bởi nét vẽ công phu, đẹp mắt, sinh động, “đánh thức” vị giác của các “tín đồ” ẩm thực.
“Việt Nam miền ngon” là cuốn sách đầu tiên LeRin thực hiện với tư cách là họa sĩ minh họa, trước đó anh làm trong lĩnh vực thời trang. Anh chia sẻ: “Trong những lần du lịch đó đây trải dài qua 3 miền đất nước, tôi được thưởng thức những món ăn dân dã vô cùng tuyệt vời. Chính điều đó đã thôi thúc tôi ngày đêm miệt mài chỉ vẽ và vẽ để cuối cùng, sau đúng một năm thì cuốn sách này ra đời. Món ăn Việt Nam chúng ta thật sự phong phú với nào là các món bún, các món cơm, các món ăn vặt hay các loại bánh... Cuốn sách này chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng ẩm thực to lớn đó”.

Có lẽ, chính LeRin cũng không ngờ cuốn sách “Việt Nam miền ngon” của mình có thể được độc giả yêu thích đến vậy. Cho đến nay cuốn sách đã được tái bản hơn 9 lần, đồng thời mở ra cho “cha đẻ” của nó nhiều cơ hội hợp tác với một số thương hiệu lớn. Những thành công này giúp LeRin thêm vững vàng và tự tin bước trên con đường vẽ tranh ẩm thực. Bộ sách “Việt Nam dọc miền du ký” (2 tập) hay mới đây nhất là “Tết ba miền” của LeRin tiếp tục được độc giả yêu thích khi đã vẽ nên tấm bản đồ ẩm thực nước Việt bằng tranh đầy cuốn hút.
Với những bước đi tiên phong trong vẽ món ăn của Đặng Hồng Quân và LeRin, nhiều người trẻ yêu thích cầm cọ cũng đã sẵn sàng thử sức khi các sân chơi về minh họa ẩm thực được mở ra. Như dự án sách minh họa của NXB Kim Đồng với bộ sách 3 cuốn về miền Trung gồm “Thực”, “Kiến”, “Tích”, trong đó tác phẩm “Thực” mang đến những trải nghiệm ẩm thực sống động và đầy màu sắc qua tranh minh họa những món ăn đặc trưng của miền Trung do những người vẽ trẻ. Đa phần các tác giả là người ưa xê dịch, không ngại tìm về các vùng xã, thôn để trải nghiệm những món ăn dân dã đang dần biến mất rồi thể hiện qua tranh và một vài lời giới thiệu với mong muốn sẽ giúp các món ăn không bị thất truyền. Bởi thế, trong cuốn sách “Thực”, bên cạnh các món ăn nổi tiếng miền Trung, có thể bắt gặp những đặc sản chỉ người dân địa phương hoặc khách lưu trú lâu ngày mới biết đến.
Ngoài ra, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cũng từng phát động Thử thách ký họa các món ăn đường phố Hà Nội và nhận được hơn 100 bức vẽ đa dạng, hấp dẫn về các món ăn đặc sắc ở Thủ đô như phở, bún ốc, bún đậu mắm tôm, mì gà tần, bánh cuốn Thanh Trì, bánh mì,... Hay cả một triển lãm "Vùng nào thức nấy" đã được khai mạc mà xuất phát điểm là từ một cuộc thi trực tuyến của cộng đồng Vietnam Local Artist Group do TiredCity lập trên facebook đã để lại nhiều ấn tượng với đông đảo người đến chiêm ngưỡng.
Dù xuất bản sách hay triển lãm tranh, những sân chơi minh họa ẩm thực sôi động này đã và đang cho thấy minh họa ẩm thực cũng là một hướng đi để có thể kể câu chuyện lịch sử, địa lý, văn hóa nước Việt một cách hấp dẫn.