Giữ liêm - sỉ là giữ cái gốc đạo đức cán bộ, đảng viên
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 42-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo đó, cán bộ, đảng viên phải biết trọng liêm sỉ, không tham nhũng, lãng phí.
Chỉ thị được ban hành khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí do Đảng ta phát động và trực tiếp chỉ đạo trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả rất khả quan, nhiều cán bộ có hành vi tham nhũng đã bị kỷ luật, bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, nạn tham nhũng bước đầu đã được ngăn chặn, lòng tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền trong sạch, vì dân, không tham nhũng ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, phải ban hành thêm Chỉ thị này cho thấy Đảng ta đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức và yêu cầu về tinh thần tự tu dưỡng, tự rèn luyện, nêu gương sáng của cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Bởi chúng ta ai cũng biết rằng, tham nhũng là căn bệnh cộng sinh với quyền lực. Ở đâu mà quyền lực nhà nước không được kiểm soát tốt, thì ở đó, nạn tham nhũng có cơ hội hoành hành.
Lịch sử 80 năm lập nước, chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến nhiều vụ án tham nhũng bị phanh phui như trong vài nhiệm kỳ gần đây. Cũng chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước bị kỷ luật, bị truy tố và chịu sự trừng phạt của pháp luật vì liên quan đến tội danh tham nhũng như vậy.
Từ đại án tham nhũng "Kit test Việt Á", "Chuyến bay giải cứu", đến vụ án xảy ra trong ngành Đăng kiểm Việt Nam; từ vụ án AIC đến vụ lừa đảo, rửa tiền, chiếm đoạt tài sản ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, những vụ tham nhũng xảy ra ở Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, Công ty Xuyên Việt Oil… ở đâu cũng thấy có sự nhúng tay của một số cán bộ quyền cao chức trọng.
Chỉ tính riêng liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 58 tổ chức Đảng, 86 đảng viên, trong đó có 17 cán bộ diện Trung ương quản lý. Về xử lý hình sự, đến nay đã khởi tố 44 bị can, trong đó có 10 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Riêng vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn đã khởi tố 8 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 4 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy; 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Chính lòng tham chứ không phải là gì khác, đã hủy hoại toàn bộ sự nghiệp, danh dự, lý tưởng của họ - những người từng được xem là tinh hoa của đất nước. Bất chấp luật pháp và đạo lý, họ đã tìm mọi cách vơ vét, trục lợi cho bản thân và phe nhóm, sân sau của mình, trong khi đi đâu, làm gì họ cũng luôn lớn tiếng rao giảng đạo đức, tiết tháo làm người!
Với Chỉ thị 42-CT/TƯ, Bộ Chính trị một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò giáo dục nền tảng đạo đức, phẩm chất của cán bộ đảng viên là cần thiết, nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong bộ máy công quyền. Vì vậy, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ đảng viên giữ liêm - sỉ và không tham nhũng, lãng phí.
Bởi người biết trọng chữ liêm, sẽ không tham lam, biết giữ mình trong sạch, không lợi dụng địa vị để dĩ công vi tư, nhũng nhiễu, bóc lột nhân dân, không dám làm trái quốc pháp và đạo lý luân thường.
Người giữ sỉ sẽ biết xấu hổ, gặp chuyện không hợp đạo lý, trái lương tâm thì tuyệt đối không làm; biết thẹn khi không đủ tài đức mà dám cầm trọng trách; càng xấu hổ vì mình đã phản bội lại lý tưởng; “nói một đàng làm một nẻo”; miệng rao giảng đạo đức nhưng sẵn sàng đếm tiền bẩn nhoay nhoáy dưới gầm bàn…
Không liêm thì của gì cũng dám lấy; không sỉ thì việc gì cũng bất chấp mà làm. Người như thế, không chỉ “thân bại danh liệt" và thử hỏi, có tai họa nào không tìm đến? Cán bộ lãnh đạo tốt là người phải biết cách để đạo đức được lan tỏa, quốc pháp được thi hành. Ngược lại, thấy cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng dùng mọi thủ đoạn để làm, thì bị xã hội lên án, bị Đảng kỷ luật, pháp luật trừng trị là lẽ đương nhiên!
Trọng liêm - sỉ, cán bộ sẽ biết mình phải làm gì, sống thế nào để giữ được thanh danh, xứng đáng là công bộc của dân.
Không ai dám chắc cả đời làm quan không có khuyết điểm, thậm chí là sai lầm. Điều quan trọng là ứng xử thế nào để vừa giữ tròn danh dự mà không tổn hại đến sự nghiệp chung. Dám từ chức khi bị kỷ luật, khi thấy mình năng lực hạn chế, uy tín giảm sút là sự dũng cảm của những người biết liêm - sỉ; không chỉ giữ thanh danh cho mình, mà còn là cách để giữ thanh danh cho Đảng; để mình không là lực cản trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.