Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:Bảo đảm quỹ đất trồng lúa, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Ngày 13-2-2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-UBND quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, tạo nguồn tài chính để bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa, tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh về vấn đề này trong đó có những giải pháp bảo đảm quỹ đất trồng lúa, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa

- Quyết định số 07/2025/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội được kỳ vọng sẽ giúp quản lý và sử dụng đất trồng lúa hiệu quả hơn. Theo ông, cơ sở thực tiễn và pháp lý của chính sách này là gì? Việc quy định mức nộp tiền chuyển đổi đất trồng lúa bằng 70% giá đất theo bảng giá đất có phù hợp với thực tiễn không?
- Quyết định số 07/2025/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 23-2-2025, được ban hành nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên và bổ sung nguồn lực bảo vệ, phát triển quỹ đất trồng lúa. Về mặt pháp lý, quy định này dựa trên Điều 12, Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11-9-2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa. Theo đó, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, trừ các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng. UBND cấp tỉnh quy định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
Trước đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4970/QĐ-UBND ngày 2-10-2015 quy định tạm thời mức nộp tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ. Công thức tính mức thu theo Quyết định số 07/2025/QĐ-UBND vẫn giữ nguyên so với Quyết định số 4970/QĐ-UBND. Cụ thể: Mức nộp tiền = diện tích đất chuyên trồng lúa phải chuyển đổi × giá đất trồng lúa theo bảng giá đất tại thời điểm chuyển đổi × 70%.
Điểm khác biệt đáng chú ý là bảng giá đất trồng lúa đã được điều chỉnh theo Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND (ngày 20-12-2024) của UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31-12-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 7-9-2023 của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, giá đất trồng lúa tại Hà Nội tăng khoảng 15% so với trước, mức cao nhất là 290.000 đồng/m² tại các quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa... Các huyện: Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì ở mức 124.000 đồng/m².
Như vậy, chính sách này không thay đổi cách tính mức thu nhưng sẽ có tác động đáng kể do giá đất trồng lúa tăng. Mục tiêu của quyết định là tạo nguồn lực bổ sung diện tích đất trồng lúa bị mất hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, song cũng đặt ra thách thức cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi.
- Vậy việc tăng mức thu khi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp như trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi, thưa ông?
- Ở góc độ nào đó, nếu mức thu tăng chắc chắn sẽ làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào phát triển khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tác động đến thị trường bất động sản. Hiện nay, giá đất tại Hà Nội đang cao hơn đáng kể so với các tỉnh lân cận. Nếu giá đất tiếp tục tăng mà không có sự điều chỉnh hợp lý, chi phí sản xuất và đầu tư sẽ bị đẩy lên, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và giảm sức hút của Hà Nội đối với các nhà đầu tư. Đây là vấn đề đáng quan ngại, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong xác lập quyền sở hữu đất đai… Thực tế, trên địa bàn thành phố còn nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai nhưng thiếu cơ chế xử lý dứt điểm dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, lãng phí nghiêm trọng. Điều này càng làm cho bài toán quản lý, sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, thêm phức tạp.
Tuy nhiên, với việc Hà Nội áp dụng mức 70% (so với mức 50% như một số địa phương), tôi cho rằng, đây là mức hợp lý, phản ánh đúng giá trị đất đai của Thủ đô. Điều quan trọng là Hà Nội cần sử dụng nguồn thu này minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích. Cụ thể, nguồn tiền thu được cần chi cho các nội dung: Lập quy hoạch, lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa năng suất cao, công bố công khai để thực hiện; định kỳ phân tích chất lượng đất trồng lúa để có biện pháp cải tạo phù hợp; cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa như tăng độ dày tầng canh tác, cải thiện đất trũng thấp, bón phân hữu cơ, xử lý đất bị nhiễm phèn; đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa; hỗ trợ trực tiếp cho nông dân ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất lúa, hỗ trợ liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa chất lượng cao...
Tiếp đến là thành phố cần công khai, minh bạch các khoản thu từ chuyển đổi đất lúa, như: Số dự án đã nộp, số tiền thu được, các khoản này được sử dụng ra sao... Ví dụ như đầu tư vào hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cao chất lượng đất trồng lúa hoặc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Mặt khác, thành phố cần giải quyết dứt điểm tình trạng dự án "treo", thu hồi đất nếu cần thiết. Điều này không chỉ bảo vệ quỹ đất lúa mà còn góp phần làm trong sạch thị trường bất động sản, tránh tình trạng đầu cơ, găm đất gây rối loạn thị trường.
Ứng dụng công nghệ số trong giám sát quỹ đất

- Hiện nay, nhiều hộ dân, hợp tác xã muốn chuyển đổi mô hình sản xuất hoặc hợp tác với doanh nghiệp để phát triển kinh tế nông thôn. Vậy, thành phố Hà Nội cần biện pháp gì để hỗ trợ nhóm đối tượng này trong chuyển đổi đất trồng lúa, thưa ông?
- Việc bảo vệ quỹ đất trồng lúa là vô cùng cần thiết. Vì vậy, thành phố nên xây dựng tiêu chí rõ ràng về các trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ưu tiên các dự án thực sự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm tính bền vững, chẳng hạn như mô hình nông nghiệp công nghệ cao, dự án sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường hoặc du lịch sinh thái.
Về cơ chế thu, có thể xem xét áp dụng mức thu lũy tiến: Mức thu 70% giá trị đất trồng lúa theo bảng giá đất có thể áp dụng cho các dự án thương mại. Với những dự án phục vụ phát triển kinh tế nông thôn bền vững như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, Hà Nội có thể áp dụng mức thu thấp hơn hoặc giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi. Điều này vừa khuyến khích phát triển mô hình sản xuất hiệu quả, vừa bảo vệ quỹ đất trồng lúa lâu dài; duy trì nguồn thu cho ngân sách nhưng không tạo thêm gánh nặng tài chính cho những mô hình sản xuất hiệu quả.
- Theo ông, thành phố Hà Nội cần giải pháp nào để vừa bảo đảm thực thi nghiêm túc, vừa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng trong quá trình chuyển đổi đất trồng lúa?
- Theo tôi, Hà Nội cần chiến lược quản lý toàn diện với trọng tâm là giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện chính sách, bảo đảm tính minh bạch, công bằng. Trước tiên, cần ứng dụng công nghệ số để theo dõi biến động đất lúa theo thời gian thực. Việc này không chỉ giúp phát hiện sớm trường hợp sử dụng đất sai mục đích mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý đánh giá xu hướng chuyển đổi đất nông nghiệp, từ đó có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế thẩm định và hậu kiểm nghiêm ngặt đối với dự án có yếu tố chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các dự án chuyển đổi cần chứng minh được tính khả thi, có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng, cam kết phát triển lâu dài, tránh tình trạng chuyển đổi xong nhưng không triển khai, gây lãng phí tài nguyên; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề cho nông dân bị thu hẹp diện tích đất trồng lúa, giúp nông dân tham gia vào mô hình sản xuất mới...
Nhìn chung, quản lý chuyển đổi đất nông nghiệp không chỉ là vấn đề thu phí hay cấp phép mà cần hệ thống giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, giám sát, hỗ trợ tài chính đến nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Có như vậy, chính sách mới thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm cân bằng giữa phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai.
- Trân trọng cảm ơn ông!