Thế giới

Cuộc bầu cử định hình tương lai

Quỳnh Dương 22/02/2025 - 23:29

Ngày 23-2, các cử tri ở Đức sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Bất chấp những lo ngại về nền kinh tế trì trệ, chiến dịch tranh cử của các đảng bị chi phối bởi vấn đề di cư và sự trỗi dậy của phe cực hữu. Cùng với đó là các vấn đề đối ngoại liên quan tới những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được cử tri đặc biệt quan tâm.

1.jpg
Hình ảnh các ứng cử viên trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 23-2. Ảnh: Deutschland

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo/ Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) theo đường lối trung hữu của ứng cử viên Friedrich Merz đang dẫn đầu (30%), đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) của bà Alice Weidel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz và Đảng Xanh do ông Robert Habeck lãnh đạo đang lần lượt đứng ở sau.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh các đảng phái chính trị của Đức đã mất đi sự ủng hộ, còn đảng AfD đang có xu hướng vươn lên. Đảng mới thành lập chưa đầy một thập kỷ này đang có 21% sự ủng hộ - gấp đôi số phiếu bầu năm 2021 và có khả năng giành vị trí thứ hai. AfD là một phần của làn sóng cực hữu đang lan rộng khắp châu Âu, nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc mong muốn thắt chặt quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Bộ trưởng Bộ Hiệu quả Elon Musk đều ủng hộ AfD.
Sự trỗi dậy của phe cực hữu đã được thúc đẩy bởi tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài. Sau đại dịch Covid-19, mô hình kinh doanh của Đức bị phá vỡ bởi sự kết thúc của kỷ nguyên năng lượng giá rẻ của Nga, lãi suất cao hơn và nhu cầu xuất khẩu giảm. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, gần 250.000 việc làm trong ngành sản xuất đã bị mất tại quốc gia vẫn tự hào là cường quốc công nghiệp của châu Âu. Sự miễn cưỡng trong việc vay vốn để đầu tư - bị giới hạn bởi luật “phanh” nợ - đã trở thành gánh nặng, cản trở những nỗ lực ứng phó của Thủ tướng Olaf Scholz.

Với kết quả thăm dò dư luận trước bầu cử, nhiều khả năng người đứng đầu nội các tiếp theo của Đức sẽ là ông Friedrich Merz. Nhà lãnh đạo 69 tuổi không phải là một gương mặt mới trên chính trường Đức. Ông đã có hơn 2 thập kỷ tham gia chính trị, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong CDU và Quốc hội Đức, là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong đảng. Kinh nghiệm và uy tín giúp ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên và cử tri trung thành với CDU. Chiến dịch vận động của ông Friedrich Merz được đánh giá là bài bản và có chiến lược rõ ràng, tập trung vào các vấn đề then chốt như phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, cải cách hệ thống thuế, kiểm soát biên giới lâu dài, áp dụng các quy định tị nạn nhanh hơn để hạn chế nhập cư và tăng cường an ninh quốc gia. Những chủ đề này đều nhận được sự quan tâm lớn từ cử tri, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu và doanh nhân. Ngoài ra, ông cũng tận dụng tốt các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để truyền tải thông điệp của mình, thu hút sự chú ý của cử tri trẻ.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, từ xung đột địa chính trị đến khủng hoảng năng lượng, người dân Đức đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán. Friedrich Merz, với phong cách lãnh đạo cứng rắn và tư duy chiến lược, đã tạo được niềm tin trong lòng cử tri và được xem là người có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, số phiếu CDU/CSU nhiều khả năng sẽ không đủ quá bán để có thể đứng ra thành lập chính phủ. Ông Merz sẽ phải đàm phán với các đảng nhỏ khác để thành lập liên minh cầm quyền. Đây được coi là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định của chính phủ khi các đảng liên tục phải thương lượng với nhau để đạt đồng thuận khi xây dựng các chính sách điều hành đất nước.

Đức không chỉ là nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) mà còn là thành viên hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Vì vậy, một chính phủ mạnh mẽ sẽ rất quan trọng đối với châu Âu trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Việc xử lý quan hệ với Mỹ và Nga có thể là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ của ông Friedrich Merz nếu đắc cử.

Nói một cách khác, nước Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống mới đang định hình lại môi trường chiến lược của châu Âu. Để duy trì khả năng hành động trong bối cảnh này, cần có sự thống nhất của châu Âu và vai trò mạnh mẽ của Đức - đây sẽ là một thách thức to lớn đối với chính phủ tiếp theo ở Berlin.