Đối ngoại

Đường cơ sở của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ: Ý nghĩa và phù hợp với luật pháp quốc tế

Hương Thảo 22/02/2025 12:39

Ngày 21-2, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ.

Đây là hoạt động chính đáng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phù hợp với Luật Biển Việt Nam năm 2012.

Theo Bộ Ngoại giao, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ là căn cứ để xác định ranh giới và phạm vi các vùng biển của Việt Nam theo quy định của UNCLOS và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Việc xác định rõ đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ tạo thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, quản lý biển và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thời gian tới.

Phạm vi đường cơ sở của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ

Hệ thống đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ gồm hai phần:

Thứ nhất là hệ thống đường cơ sở thẳng xuất phát từ điểm A11 tại đảo Cồn Cỏ, đi qua các điểm cơ sở nằm dọc 10 tỉnh, thành ven biển trong cả nước (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Thứ hai là đường cơ sở thông thường bao quanh đảo Bạch Long Vĩ.

Đường cơ sở sẽ là căn cứ để Việt Nam xác định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với UNCLOS. Tuy nhiên, vào năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, do vậy ranh giới lãnh hải tại khu vực cửa sông Bắc Luân, và ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ còn được xác định phù hợp với quy định của Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc (xem bản đồ sau đây).

Sơ đồ minh họa đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Nguồn: Bộ Ngoại giao.
Sơ đồ minh họa đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Sự cần thiết của việc xác định đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ, được bao bọc bởi bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc, không chỉ là tuyến đường biển giao thương huyết mạch quan trọng tại Đông Nam Á, mà còn là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng. Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ vào ngày 25-12-2000, có hiệu lực từ ngày 30-6-2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hiệp định tạo ra khuôn khổ pháp lý và hợp tác thuận lợi cho việc bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững trong Vịnh Bắc Bộ, góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ giữa hai nước.

Trước khi công bố đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ, đường cơ sở ven bờ lục địa của Việt Nam được xác định theo Tuyên bố Chính phủ ngày 12-11-1982 về đường cơ sở, nối liền 11 điểm tại các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ và bờ biển Việt Nam, từ điểm 0 đến điểm A11. Trong đó, điểm “0” nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia; điểm cuối cùng là điểm A11 nằm ở đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Vào thời điểm ra Tuyên bố năm 1982, Việt Nam chưa xác định đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ. Theo Điều 8 của Luật Biển năm 2012, Chính phủ sẽ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở.

Trong thực tiễn, đối với quốc gia ven biển nói chung và Việt Nam nói riêng, việc không quy định cụ thể đường cơ sở dẫn đến nhiều hạn chế, khó khăn. Việc không quy định đường cơ sở dẫn tới việc chưa xác định ranh giới và phạm vi các vùng biển, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực thi pháp luật trên biển trong xử lý các vụ việc liên quan đến xuất, nhập cảnh, dịch tễ, buôn lậu, đặc biệt đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Với việc xác định đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể xác lập rõ phạm vi của các vùng biển, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của quốc gia đó, vừa tôn trọng quyền của các quốc gia khác trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế (ví dụ như quyền đi lại không gây hại trong lãnh hải, tránh tình trạng tàu thuyền nước ngoài đi sát vào nội thủy của quốc gia ven biển).

Trong bối cảnh nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế biển ngày càng tăng, việc Việt Nam hoàn thiện hệ thống đường cơ sở là cần thiết và sẽ góp phần hoàn thiện và làm rõ ranh giới, phạm vi các vùng biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Sự phù hợp của đường cơ sở Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ

Đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ được xác định trên cơ sở các quy định của UNCLOS, phù hợp với đặc điểm địa lý và tự nhiên của Vịnh Bắc Bộ. Hệ thống đường cơ sở của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ được xác định theo hai phương pháp là đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường.

Đường cơ sở của lãnh thổ đất liền, ven biển trong Vịnh Bắc Bộ được xác định theo phương pháp đường cơ sở thẳng. Thật vậy, địa hình tự nhiên ven bờ biển Vịnh Bắc Bộ ở phía biển của Việt Nam có hình dạng khúc khuỷu, lồi lõm, có các đảo chạy dọc bờ biển; cùng với các đảo, đá nhỏ ngoài cùng của Vịnh Hạ Long tạo thành chuỗi đảo.

Đường cơ sở xác định theo tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 21-2-2025 đi theo xu hướng chung của bờ biển. Với đặc điểm địa lý và tự nhiên của Vịnh Bắc Bộ, các vùng biển ở bên trong đường cơ sở gắn bó mật thiết với đất liền để được hưởng chế độ nội thủy. Do vậy, đường cơ sở của lãnh thổ đất liền của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS.

Ở Bạch Long Vĩ, Việt Nam áp dụng đường cơ sở thông thường bằng việc xác định ngấn nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Việc áp dụng hai phương pháp đường cơ sở thẳng và đường cơ sơ thông thường phù hợp với luật pháp quốc tế vì UNCLOS cho phép áp dụng một hay nhiều phương pháp đường cơ sở. Cách tiếp cận của Việt Nam thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc tuân thủ, tôn trọng UNCLOS như “Hiến pháp của biển và đại dương”.

Bên cạnh đó, ranh giới ngoài lãnh hải của Việt Nam tại khu vực cửa sông Bắc Luân tuân thủ đường phân định lãnh hải, trên cơ sở của Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000. Vị trí của đường cơ sở cũng như ranh giới ngoài lãnh hải ở khu vực cửa sông Bắc Luân được xác định chính xác để không ảnh hưởng đến đường phân định Vịnh Bắc Bộ.

Nhìn tổng thể, đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam phù hợp với các cam kết của Việt Nam, không ảnh hưởng đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên, bao gồm UNCLOS và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ.

Cơ sở pháp lý từ quy định của UNCLOS về đường cơ sở và thực tiễn quốc tế

- Điều 5 UNCLOS: Đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc bờ biển.

- Theo Điều 7 UNCLOS, phương pháp đường cơ sở thẳng có thể áp dụng đối với địa hình bờ biển không ổn định, hoặc ở bờ biển khoét sâu, lồi lõm hoặc nếu có chuỗi đảo nằm sát ngay hoặc chạy dọc bờ biển; tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.

- Điều 14 UNCLOS: Quốc gia ven biển, tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau, có thể vạch ra các đường cơ sở theo một hay nhiều phương pháp được trù định ở các điều nói trên.

Thực tiễn quốc tế và khu vực áp dụng đường cơ sở khá đa dạng. Cho đến nay, nhiều quốc gia ven biển châu Á áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Thái Lan. Tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là hai quốc gia áp dụng hệ thống đường cơ sở quần đảo.