Iran tuyên bố đủ năng lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) tuyên bố, Iran đang tiếp nhận công nghệ phục vụ mục đích xây dựng các nhà máy điện hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây, theo Tân Hoa xã ngày 22-2.
Giám đốc AEOI Mohammad Eslami đưa ra tuyên bố kể trên khi đến thăm nhà máy điện hạt nhân Darkhovin đang trong quá trình xây dựng ở tỉnh Tây Nam Khuzestan. Người đứng đầu AEOI khẳng định, việc xây dựng nhà máy này vẫn tiếp tục với sự hỗ trợ từ các nhà khoa học Iran, bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn tiến độ của Mỹ.
Khẳng định Iran đủ năng lực xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, ông Mohammad Eslami cũng nhấn mạnh rằng, Tehran không quan tâm đến “lệnh trừng phạt cũng như áp lực” từ những quốc gia thù địch và sẽ tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực để đạt được mục tiêu.
Iran đã ký một thỏa thuận hạt nhân, chính thức được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), với các cường quốc thế giới hồi tháng 7-2015. Thỏa thuận nhằm mục đích áp dụng những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018, trước khi tiến hành tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Trong động thái đáp trả, Tehran dần giảm bớt một số cam kết theo thỏa thuận này, bao gồm cả việc dừng các cuộc thanh tra của IAEA và ngăn chặn những biện pháp giám sát nghiêm ngặt.
Những nỗ lực khôi phục JCPOA được tiến hành tại Áo hồi tháng 4-2021. Dù vậy, thỏa thuận này vẫn không đạt được tiến triển đáng kể nào kể từ sau vòng đàm phán cuối cùng vào tháng 8-2022.
Iran cũng nhiều lần khẳng định, chương trình hạt nhân của quốc gia này hoàn toàn vì mục đích hòa bình, chủ yếu hướng đến việc sản xuất điện và dược phẩm phóng xạ - loại thuốc có thể được sử dụng trong chẩn đoán hoặc điều trị một số tình trạng bệnh lý.
Tại họp báo ngày 20-2 ở Nhật Bản, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nhận định, phần lớn nội dung của JCPOA không còn phù hợp trong bối cảnh Iran đang tiến hành làm giàu uranium ở mức 60%, gần đạt cấp độ phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong động thái phản bác, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi nhận định, tuyên bố của người đứng đầu IAEA mang tính chính trị. AEOI cũng đánh giá, động thái của IAEA có thể thúc đẩy Mỹ và các quốc gia phương Tây tiếp tục gây áp lực lớn lên Iran.
Trong bối cảnh căng thẳng về chương trình hạt nhân vẫn tiếp diễn, Iran sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Zolfaghar 1403 trong ngày 22-2, diễn ra tại khu vực từ bờ biển Makran ở phía Đông Nam đến phía Bắc Ấn Độ Dương.
Bờ biển Makran, nằm dọc biên giới Iran với Pakistan trên biển Arab, là khu vực quân sự và kinh tế quan trọng đối với Tehran. Đô đốc Habibollah Sayyari tuyên bố, cuộc tập trận Zolfaghar 1403 sẽ chứng minh năng lực quân sự của các lực lượng lục quân, phòng không và hải quân chiến lược.