Ước có “168 khác”
Một hôm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, báo đài tràn ngập tin về “núi bánh kẹo” bị đổ ra đường ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Số thực phẩm bị bỏ đi ấy chắc chắn thuộc loại không được phép đưa ra thị trường, lên tới vài chục tấn, nhiều đến mức cho tới đầu tuần này vẫn chưa được dọn hết.
Ngược về những ngày cuối năm 2024, tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng phát hiện 4 cơ sở dùng chất cấm có thể gây tử vong để sản xuất giá đỗ. Tính cả năm ngoái, các cơ sở nọ tiêu thụ gần 3.000 tấn giá đỗ loại này và mỗi ngày có khoảng vài tạ hàng được giao theo hợp đồng tiêu thụ với kênh bán hàng có tiếng - một thương hiệu đáng chú ý với hệ thống siêu thị bao phủ nhiều tỉnh, thành phố.
Cũng vào năm ngoái, trong một lần “kiểm tra đột xuất”, tôi thấy con mình sau giờ học chính khóa cùng hai bạn chung lớp tiểu học trên đường đến lớp học thêm (do cô giáo thuê ở gần trường), trên tay chúng là xúc xích và một loại nước uống mua ở khu vực trước cổng trường. Khi đó, giải pháp chỉ có thể là thông báo với bố mẹ của nhóm bạn để lưu ý việc cho con trẻ mang tiền theo người, càng nung nấu quyết định không cho con đi học thêm nữa...
Tin về thực phẩm “bẩn” bị phát hiện có rất nhiều, xuất hiện thường xuyên, liên quan tới nhiều mặt hàng được sử dụng hằng ngày, từ bim bim đến bánh kẹo, xúc xích, rau củ quả thịt thà... Nhiều đến mức gây cảm giác nhàm chán, lơ là trước điều tai hại nghe đã quen tai. Lũ trẻ vẫn mua những túi bim bim có giá vài ngàn đồng trước cổng trường sau khi báo chí đưa hình ảnh chuột chết trong xưởng sản xuất bim bim với khu pha chế được mô tả “bẩn hơn cả nhà vệ sinh công cộng”. Cảm giác bất an về vệ sinh an toàn thực phẩm đến rồi đi, nhiều người tặc lưỡi tự trào “miễn là khuất mắt”.
Có cảm giác rằng người tiêu dùng không biết tránh thực phẩm “bẩn” bằng cách nào khi có quá nhiều thứ không hợp quy xuất hiện; tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt vẫn diễn ra.
Luật pháp Việt Nam có quy định cụ thể về mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, nhưng việc thực hiện chế tài và giải pháp giám sát chưa thực sự hiệu quả. Sự thể còn ảm đạm nếu người dân không thể hiện hành động rõ ràng hơn trong việc “nói không” với thực phẩm “bẩn”; phía sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là hàng độc hại không bị xử lý với chế tài đủ để họ biết sợ, không dám làm hại cộng đồng nữa.
Thay đổi thói quen canh tác, nuôi trồng, đạo đức kinh doanh không phải là việc có thể làm một cách hời hợt, nhất là khi mối lợi thu được từ việc “làm ẩu” là rất lớn. Đó là một quá trình đòi hỏi sự đồng thời thay đổi về nhận thức, hành động của người tiêu dùng, nhà sản xuất và cơ quan quản lý. Chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình này không chỉ là giáo dục, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, mà còn là hệ giải pháp đồng bộ với chế tài mạnh tay được áp dụng trên tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, với phương châm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết.
Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm từng bước tháo gỡ những vấn đề hạn chế, gây bức xúc trong xã hội để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, như đã thấy gần đây với vấn đề văn hóa giao thông, vấn đề dạy thêm - học thêm nói riêng và cải cách giáo dục nói chung... Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng không kém gì so với những việc trên, cần được tiến hành với tinh thần không khoan nhượng.
Nghị định 168-2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và hiệu quả thực tế cho thấy “tinh thần 168” - quyết liệt, mạnh mẽ - cũng cần được thể hiện trong công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân. “Cú sốc” có thể xảy ra với nhiều người, nhưng thói quen “nhờn luật” và toan tính mưu cầu lợi nhuận trên nỗi đau khổ của người khác, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững sẽ dần bị loại bỏ.