Sức khỏe

Trẻ chậm nói: Can thiệp sớm trong "giai đoạn vàng"

Thu Trang 22/02/2025 - 07:02

Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ chậm nói đến các bệnh viện thăm khám gia tăng do nhiều nguyên nhân.

Điều đáng nói là hầu hết trẻ đến khám ở thời điểm muộn hơn so với giai đoạn vàng (0-3 tuổi) khiến việc can thiệp trở nên khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này.

cham-noi.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám cho trẻ chậm nói.

60% trẻ chậm nói gặp khó khăn khi đi học

Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận điều trị cho bé N.V.H (4 tuổi ở Hà Nội) được chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ. Theo lời kể của mẹ bé H, do bố đi làm xa, mẹ làm công nhân sáng đi, tối về nên H chủ yếu sống cùng ông, bà và được tiếp xúc với tivi, điện thoại từ sớm. Hằng ngày, mỗi khi cháu ngồi chơi, ăn cơm, hay khi khóc…, ông, bà thường cho xem tivi, điện thoại để dỗ dành. Đến 2 tuổi, bé chỉ nói được rất ít từ đơn, chưa nói được từ ghép. Đến nay, mặc dù đã 4 tuổi nhưng vốn từ của bé rất hạn chế.

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết, những năm gần đây, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ chậm nói đến viện thăm khám gia tăng. Điều đáng nói là hầu hết trẻ được đưa đến khám khi đã 4-6 tuổi. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ ở giai đoạn 0-3 tuổi sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Nếu chủ quan bỏ giai đoạn vàng này, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của trẻ.

“Khoảng 60% trẻ em bị chậm nói gặp khó khăn về đọc và đánh vần cao gấp 6 lần; khó khăn về tính toán cao gấp 4 lần, ảnh hưởng đến cách diễn đạt. Chậm nói còn khiến trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp, ngày càng cô lập, tự ti, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 35% trẻ phục hồi ngôn ngữ lúc 5 tuổi, nhưng lại gặp khó khăn về ngôn ngữ ở tuổi 15-16 và 52% trong nhóm này gặp khó khăn nghiêm trọng về đọc”, Tiến sĩ Vũ Sơn Tùng cảnh báo.

Trước đó, tại Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng điều trị cho bé trai N.M.H (4 tuổi ở Hà Nội) bị rối loạn stress sau sang chấn dẫn đến rơi vào trạng thái “thất ngôn”. Bé trai này từ khi sinh ra đã được ông nội chăm bẵm, yêu thương. Càng lớn, bé càng gắn bó yêu thương ông hơn. Do đó, khi ông nội qua đời, cậu bé đã trải qua một cú sốc tâm lý quá lớn và gần như không giao tiếp với ai.

Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương), hầu hết trẻ em gặp rối loạn stress sau sang chấn, thời gian để “chữa lành” cũng nhanh hơn so với người lớn. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, bên cạnh việc hạn chế về ngôn ngữ còn có thể gây ra các xung đột quá mức khiến trẻ lầm lì, thậm chí cục cằn trong ứng xử. Điều đáng quan tâm là rối loạn ngôn ngữ có thể tạo ra rối loạn tâm lý, từ đó trở thành các bệnh lý, khiến trẻ nghiện game, trầm cảm…

Những dấu hiệu cảnh báo sớm

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Sơn Tùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nói ở trẻ như: Bất thường giải phẫu, giác quan liên quan đến cơ quan phát âm (sứt môi, hở hàm ếch, lưỡi); suy giảm thính lực; tổn thương hệ thần kinh trung ương; thiếu tương tác với gia đình; lạm dụng thiết bị điện tử… Thời gian sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ/ngày ở trẻ 1-3 tuổi cũng làm tăng nguy cơ chậm nói. Ngoài ra, trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em gặp vấn đề về ngôn ngữ sẽ có nguy cơ bị chậm nói cao gấp 2-3 lần so với trẻ có các thành viên trong gia đình phát triển bình thường.

Theo các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần, những dấu hiệu cảnh báo chậm nói ở trẻ thường xuất hiện sớm nhưng dễ bị bỏ qua. Cụ thể, trong giai đoạn 0-6 tháng tuổi, đó là trẻ không giao tiếp bằng mắt với những người xung quanh; không nhìn theo hay có bất kỳ phản ứng gì khi được gọi tên hay không có phản ứng quay về hướng các đồ vật phát ra âm thanh. Từ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ không hứng thú, không phản ứng khi chơi ú òa, không giao tiếp với mọi người xung quanh bằng từ ngữ, âm thanh, cử chỉ. Từ 12 đến 18 tháng tuổi, trẻ không nói được vài từ đơn, không đáp lại khi được gọi tên hay không có những phản hồi trước các câu hỏi quen thuộc. Đến 2 tuổi, trẻ không thể nói khoảng 50 từ đơn khác nhau, không thể ghép 2-3 từ đơn, chỉ có thể lặp lại từ của người khác mà không thể tự nói ra từ mình muốn. Khi 3 tuổi, trẻ không thể kết hợp từ thành cụm từ, tạo câu dài, không đáp lại những yêu cầu hay trả lời những câu hỏi dài…

Từ các dấu hiệu nên trên, Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Sơn Tùng nhấn mạnh, can thiệp trước 3 tuổi giúp trẻ cải thiện 25% khả năng học tập, giảm chi phí và tăng cơ hội hòa nhập. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ, ông bà cần hạn chế thời gian trẻ dùng thiết bị điện tử, thay vào đó là tăng tương tác trực tiếp, dạy trẻ qua trò chơi, đọc sách. Mặt khác, cho trẻ tham gia các môi trường tập thể đồng trang lứa và đến trường mầm non khi đủ tuổi đi học. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp ở trẻ sẽ đem lại cơ hội điều trị tốt hơn.