Nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân: Phù hợp với thực tế cuộc sống
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là quy định được áp dụng từ tháng 7-2020 cho đến nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh bởi không còn phù hợp với mức sống hiện nay của người dân.

Mức giảm trừ bất cập, lạc hậu
Chị Nguyễn Thị Hà (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), làm cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương 20 triệu đồng/tháng (240 triệu đồng/năm). Sau khi trừ mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng phụ thuộc cho con trai (52,8 triệu đồng/năm), số tiền còn lại (55,2 triệu đồng/năm) là khoản chị Hà phải chịu thuế thu nhập cá nhân, tương ứng mức chị phải đóng thuế là 2,76 triệu đồng/năm. Đây là khoản tiền không nhỏ bởi chị phải “thắt lưng buộc bụng” do vẫn phải đi thuê nhà. “Mặc dù hằng tháng tôi có thu nhập 20 triệu đồng, song với mức sống đắt đỏ ở Thủ đô, sau khi trừ chi phí thuê nhà, 4-5 triệu đồng tiền học của con mỗi tháng, chi tiêu của hai mẹ con chỉ còn 7-8 triệu đồng nên khá eo hẹp”, chị Hà nói.
Còn với gia đình chị Trần Thị Minh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), hai vợ chồng làm cùng cơ quan có tổng thu nhập 38 triệu đồng/tháng (456 triệu đồng/năm), trừ đi mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ phụ thuộc của 2 con, tổng số thuế thu nhập cá nhân phải đóng mỗi năm của hai người khoảng 5,6 triệu đồng, tức mỗi tháng gần 500.000 đồng. Với mức thu nhập trên, gia đình chị phải chi tiêu rất tiết kiệm, bởi riêng chi phí thuê người trông con thứ 2 đã không dưới 6 triệu đồng/tháng, cao hơn cả mức giảm trừ cho 1 người phụ thuộc.
Quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế đã được duy trì từ tháng 7-2020 cho đến nay. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh..., số còn lại là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.
Một số chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ như hiện nay đã lạc hậu và nhiều bất cập. Hơn 4 năm qua, giá nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí tăng nhanh hơn thu nhập của người dân. Chưa kể, những gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc, ngoài tiền ăn uống, sinh hoạt, còn tăng thêm chi phí về y tế, thuốc men. Vì vậy, quy định về mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa phản ánh đầy đủ mức chi tiêu cơ bản của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời chưa phù hợp thực tế cuộc sống.
Cần sớm điều chỉnh
Đánh giá mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ phụ thuộc cho người nộp thuế hiện quá thấp so với trang trải chi tiêu trong cuộc sống, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để giảm bớt áp lực tài chính cho người dân, thuế thu nhập cá nhân cần thực hiện như thuế thu nhập doanh nghiệp, tức lấy tổng thu trừ tổng chi, phần còn lại mới đánh thuế.
Bên cạnh đó, theo ông Đinh Trọng Thịnh, kết cấu của thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã nhiều lạc hậu khi có tới 7 bậc và có nhiều mức khác nhau, từ 5% đến 35%. Xu hướng của khu vực và thế giới là giảm thuế suất và giảm bước thuế để khuyến khích người dân làm giàu. Vì vậy, chỉ nên để 5 bậc, kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, mức thuế cao nhất là 25%.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác nhìn nhận, nên giảm trừ gia cảnh theo mức sống thực tế từng vùng miền, có thể dựa trên lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn, thay vì mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay là 11 triệu đồng/tháng, mức lương tối thiểu vùng tại Thủ đô Hà Nội là 4,96 triệu đồng, thì giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần mức lương tối thiểu, tức là khoảng 19,84 triệu đồng. Việc giảm trừ gia cảnh theo mức sống vùng miền là hợp lý bởi mức chi tiêu cơ bản ở nông thôn và thành thị khác nhau.
Đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cũng là góp ý của nhiều bộ, ngành, địa phương về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Trong đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu đồng/tháng, nâng mức phụ thuộc lên 8 triệu đồng/tháng. Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 17,3 triệu đồng và mức phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng, với lý do kể từ năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên trong khi lương cơ sở tăng hơn 57%. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, bộ, ngành kiến nghị bổ sung các khoản chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ cha, mẹ đơn thân và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người vào giảm trừ trước khi tính thuế.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) dự kiến được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026 và có thể áp dụng từ năm 2027. Xét trong bối cảnh hiện nay, người dân mong muốn dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sớm được hoàn thiện, thông qua, trong đó mức giảm trừ gia cảnh được đưa ra hợp tình, hợp lý để việc nộp thuế thu nhập cá nhân không là áp lực, gánh nặng với người dân.
Theo đại diện Bộ Tài chính, với mức tăng CPI dự kiến khoảng 4% trong năm nay, khả năng CPI tính từ năm 2020 đến cuối năm 2025 sẽ chạm ngưỡng 20%. Khi đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh theo biến động CPI.