Tỷ giá USD/VND biến động do đâu?
Tỷ giá biến động liên tiếp kể từ đầu năm 2025 đến nay khiến giới đầu tư, cũng như doanh nghiệp không tránh khỏi lo ngại. Vậy đâu là nguyên nhân của sự biến động này, xuất phát từ những yếu tố trong nước hay quốc tế?
Nhiều tác động cả trong và ngoài nước
Trên thị trường thế giới, từ những phiên đầu năm 2025, USD liên tục leo thang, có thời điểm chỉ số DXY vượt ngưỡng 110 điểm.
Trên thực tế, sức mạnh đồng bạc xanh chỉ giảm nhẹ thời điểm đầu tháng 2, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai nhiều chính sách mới, dự kiến tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, cả thế giới đang “nín thở” theo dõi những chính sách của nước Mỹ, bởi sức khỏe của đồng USD phụ thuộc lớn vào điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất tại Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,43%, đạt mức 107 điểm.
Đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ chính vào phiên giao dịch vừa qua, được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng đối với tài sản "trú ẩn" an toàn trong bối cảnh lo ngại về thuế quan và các cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề Nga-Ukraine.
Theo giới chuyên gia, thông tin Mỹ có thể sẽ áp thuế mới đối với EU dự báo gây ra sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung vào biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố hôm nay 19-2.
Đối với Việt Nam, diễn biến của USD chịu tác động lớn từ thế giới cũng như nhu cầu của người dân và doanh nghiệp tăng cao thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Trên website của Ngân hàng Nhà nước, ngày 19-2, tỷ giá liên ngân hàng được niêm yết ở mức 24.633 VND/USD, tăng 31 VND/USD so với ngày trước đó; còn tỷ giá tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước là 23.422 VND/USD (mua vào) – 25.782 VND/USD (bán ra).
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tỷ giá niêm yết 25.310 VND/USD (mua vào) – 25.700 VND/USD (bán ra); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 25.340 VND/USD (mua vào) – 25.700 VND/USD (bán ra); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 25.264 VND/USD (mua vào) – 25.796 VND/USD (bán ra)...
Trước đó, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để giảm căng thẳng tỷ giá trong bối cảnh áp lực từ toàn cầu rất lớn.
Các biện pháp này bao gồm bán ra thị trường khoảng 9,5 tỷ USD theo ước tính, đưa dự trữ ngoại hối về gần 81 tỷ USD. Điều này gián tiếp hút bớt khoảng 240 nghìn tỷ đồng ra khỏi nền kinh tế, từ đó, xoa dịu áp lực tỷ giá tại những giai đoạn mà nhu cầu USD thực để thanh toán cao điểm.
Tỷ giá VND/USD có thể chạm ngưỡng 26.000 đồng?
Giới chuyên gia dự báo, năm 2025, tỷ giá có thể chạm ngưỡng 26.000 VND/USD do đà tăng giá của USD trên thế giới so với một số loại tiền tệ chủ chốt khác. Thậm chí, có dự báo còn đẩy giá đồng USD lên 26.082,5 đồng vào cuối năm 2025, và đạt mức là 27.059,04 đồng vào cuối năm 2029.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND trong năm 2025. USD trên thị trường quốc tế đi lên mạnh mẽ những ngày qua, gây sức ép lên giá USD tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỷ giá còn bị chi phối bởi lãi suất của Fed. Fed giảm lãi suất thoạt nhìn có vẻ làm giảm áp lực đối với tỷ giá, tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ là lãi suất của Fed, mà còn phụ thuộc vào cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Nếu xuất khẩu cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, cung ngoại tệ cải thiện, điều hành tỷ giá thuận lợi, nhưng ở chiều ngược lại, nếu xuất khẩu khó khăn, hoặc nhu cầu nhập khẩu tăng, tỷ giá sẽ gặp áp lực.
Thực tế, các ý kiến đều cho rằng, nếu nền kinh tế Mỹ "khỏe mạnh", đồng USD sẽ tiếp tục được hưởng lợi và lãi suất của Mỹ duy trì ở mức cao. Còn khi các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, EU, Nhật... “lúng túng” với câu chuyện phục hồi, đồng USD có thể tăng, ngay cả khi lãi suất của Mỹ kết thúc hành trình cắt giảm.
Để ứng phó đối với sự chuyển động của tỷ giá, đại diện các ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp đã linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, chuyển hướng thị trường xuất khẩu như tập trung vào Nhật Bản, Trung Quốc... và vay mượn bằng đồng tiền nước đối tác.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu tác động bất thường đến lợi nhuận, chẳng hạn như mua bảo hiểm tỷ giá, mua kỳ hạn trước để có mức chi phí cố định...
Giới chuyên gia nhận định, năm 2025, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải có giải pháp nâng cao mức tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất, nhưng đồng thời, cần bảo đảm tỷ giá hối đoái ổn định. Bởi lẽ, tỷ giá biến động quá lớn có thể có lợi cho xuất khẩu nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu vì Việt Nam nhập khẩu nhiều để chế biến, chế tạo cho xuất khẩu.
Cùng với đó là ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, của các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, chính sách điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.