Tinh gọn bộ máy và hiệu quả quản trị quốc gia
Tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với minh định quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền một cách hợp lý giữa các cơ quan, các cấp hành chính Nhà nước nhằm tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường thuận lợi, kiến tạo không gian phát triển.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua sáng 18-2, tại kỳ họp bất thường lần thứ chín. Đồng thời, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này. Cùng ngày, Quốc hội tiến hành kiện toàn các chức danh Chính phủ. Sau kiện toàn, Chính phủ gồm 24 thành viên (Thủ tướng; 7 Phó Thủ tướng, trong đó một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; 14 bộ trưởng; 3 thủ trưởng cơ quan ngang bộ).
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được “thiết kế” lại theo hướng tinh gọn (giảm 5 bộ và cơ quan ngang bộ).
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.
Như vậy, cùng với tinh gọn là việc minh định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo cả chiều ngang (các bộ, cơ quan ngang bộ) và chiều dọc (từ Chính phủ xuống chính quyền địa phương). Thủ tướng không quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với ngành, lĩnh vực được phân công. Địa phương được tăng phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Lâu nay, tình trạng “xã trình huyện, huyện trình tỉnh, tỉnh xin ý kiến Trung ương” diễn ra ở không ít nơi. Việc nhỏ cấp dưới cũng “xin” cấp trên, “dù nhỏ cũng trình lên cấp Trung ương quyết” đã dẫn tới nhiều công việc bị ách tắc, đình trệ. Với những việc lớn, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy trình “giải quyết” trên giấy không chỉ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, mà còn lãng phí nguồn lực, đặc biệt là lãng phí cơ hội (phát triển).
Chưa minh định, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, về thẩm quyền, trách nhiệm là một trong những nguyên nhân. Đồng thời, ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa phát huy hết vai trò của mình. Đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm… diễn ra khá phổ biến.
Nút nghẽn trong thể chế đã được chỉ ra và đề cập nhiều lần. Tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước không chỉ nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra - đột phá về thể chế - cũng như quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm, mà còn nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn thời kỳ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực hiện tinh gọn không phải là phép trừ cơ học, giảm bớt đầu mối phụ trách, quản lý, mà chú trọng giảm bớt sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, qua đó thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, "chuyển giao" quyền hạn, trách nhiệm cho địa phương một cách phù hợp để thêm rõ đầu mối, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, phù hợp với tình hình mới.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành gần như tức thời, ngay từ 1-3-2025. Tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với minh định quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền một cách hợp lý giữa các cơ quan, các cấp hành chính Nhà nước nhằm tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường thuận lợi, kiến tạo không gian phát triển tối ưu cho người dân, doanh nghiệp cũng như sự vươn mình của đất nước.
Yêu cầu cũng như việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền không phải vấn đề mới nhưng luôn thời sự. Để rút ngắn “khoảng cách” giữa thực hiện tinh gọn và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị cả ở cấp độ vĩ mô cũng như cấp chính quyền địa phương trên thực tế, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, hết sức quan trọng.
Cùng với đó, cần thiết kế các công cụ, chế tài giám sát, hậu kiểm việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm. Việc “xin”, “trình” phải căn cứ quy định, giảm thiểu hiện tượng cấp dưới “đá bóng” lên cấp trên, địa phương “chờ” Trung ương...