Kinh doanh nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ngày 19-2, tổ chức hội thảo "Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam".
Kinh tế nền tảng phát triển dựa trên công nghệ kỹ thuật số, dữ liệu, qua đó nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Vì thế, kinh tế nền tảng đang là ưu tiên của các Chính phủ.
Hơn một thập niên qua, mô hình kinh doanh nền tảng phát triển mạnh mẽ, thâm nhập sâu rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực như vận tải, thương mại...
.jpg)
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), hai năm gần đây, Việt Nam liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á.
Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam đang gấp từ 3 đến 4 lần tốc độ phát triển GDP của cả nước. Đây là động lực để Việt Nam có tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Dân số Việt Nam gồm 100 triệu người, là thị trường lớn để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, cao hơn mục tiêu 48.000 doanh nghiệp Chính phủ đề ra. Sự tăng trưởng nhanh về doanh nghiệp công nghệ số tạo nền tảng mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh số, trong đó có các dịch vụ nền tảng ở Việt Nam.
Theo Tổng cục thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63% và 12,33%. Nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%, cao hơn tỷ lệ trung bình giai đoạn 2020-2023.
Năm 2022, tổng giá trị tăng thêm của ngành nền tảng đóng góp 40,5 tỷ USD vào GDP của Việt Nam, tương đương 9,92%. Trong đó, riêng lĩnh vực vận tải đóng góp 6,8 tỷ USD, chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế.
Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các vùng kinh tế trong đóng góp vào giá trị tăng thêm của ngành nền tảng. Theo đó, vùng Đồng bằng sông Hồng (bao gồm Hà Nội) và vùng Đông Nam Bộ (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh) là hai vùng có mức đóng góp lớn nhất. Như vậy, có thể thấy còn nhiều dư địa để phát triển ngành nền tảng và dịch vụ nền tảng ở các vùng kinh tế còn lại của Việt Nam trong tương lai.
Báo cáo của một số tổ chức, công ty như Google, Temasek, Bain & Company (2023) đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2023, số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.
Các kết quả trên thể hiện vai trò ngày càng tăng của kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng. Việt Nam được quốc tế đánh giá có những lợi thế nhất định để phát triển kinh tế số. Đây sẽ là động lực mới để Việt Nam có sự phát triển bền vững trong thời gian tới.