Xây dựng vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản…
Ngày 19-2, huyện Đan Phượng chủ trì, phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành”. Hội thảo nhằm khẳng định rõ nét hơn những căn cứ lịch sử về thành Ô Diên và vùng đất Ô Diên cổ; nguồn gốc, thân thế và sự nghiệp của Tô Hiến Thành; các định hướng quy hoạch, xây dựng vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản…
Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Bá Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…
Đan Phượng vùng đất cổ với những con người kiệt xuất

Huyện Đan Phượng được biết đến là một vùng đất cổ, nơi hợp lưu của 3 con sông: Hồng, Đáy và Nhuệ, nơi có Thành cổ Ô Diên được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế. Đây cũng là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa gắn với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp thành phố; một số di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI), như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ); di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật, như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê (xã Đan Phượng)… Đây là niềm tự hào, là trách nhiệm to lớn của nhân dân và cán bộ huyện Đan Phượng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hoá ở địa phương.
Mảnh đất Đan Phượng cũng là nơi đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó có Thái uý Tô Hiến Thành, là danh nhân văn hóa kiệt xuất nhất của quốc gia Đại Việt thế kỷ XII.
Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (12-3-1102) tại làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phương. Đây là vùng quê “địa linh nhân kiệt”, một không gian lịch sử, văn hóa đặc biệt của Thủ đô, nơi ghi đậm dấu tích cư trú của người Việt cổ; nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lẫy lừng trong lịch sử; nơi Lý Bí phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn dân, lên ngôi Hoàng đế (Lý Nam Việt Đế), lập nước Vạn Xuân, xây dựng kinh đô Vạn Xuân ở cạnh Hồ Tây và Lý Phật Tử xây dựng thành Ô Diên ở Hạ Mỗ, mở đầu truyền thống kinh đô - đế đô - Thủ đô mãi mãi muôn đời của Thăng Long - Hà Nội.

Quê hương Hạ Mỗ nói riêng, Đan Phượng nói chung đã trở thành nền tảng quan trọng nuôi dưỡng nhân cách và con người Tô Hiến Thành trở thành cột trụ duy nhất chống vững triều đình vua Lý Anh Tông và vua Lý Cao Tông đang rệu rã, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào và dẫn đến những hiểm họa khôn lường cho sự tồn vong của quốc gia dân tộc.
Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Đức Hải, Hội thảo khoa học: "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành" tổ chức tại huyện Đan Phương là bước đi thể hiện sự mong muốn, quyết tâm để hiện thực hóa tương lai phát triển, không chỉ của huyện Đan Phượng, mà của Thủ đô Hà Nội nói chung.
Tại hội thảo, các ý kiến nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cổ Đan Phượng; những đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành với lịch sử dân tộc; đồng thời cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa là là nguồn lực nội sinh để địa phương bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, bứt phá trong thời đại mới.
Khơi nguồn lực nội sinh, tạo đà phát triển
Tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Thị Diễm Hằng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định, huyện Đan Phượng là khu vực thuộc đô thị trung tâm mở rộng gắn với tuyến Vành đai 4 của Thủ đô. Xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành và nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa vùng đất Ô Diên cổ huyện Đan Phượng sẽ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Đan Phượng trong thời gian tới, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành.

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, huyện Đan Phượng cần đặt hàng các viện nghiên cứu, nhà quản lý xây dựng quy hoạch đô thị huyện Đan Phượng có chất lượng. Trong đó, bảo tồn được không gian di sản văn hóa, lịch sử về Nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành cố đô Ô Diên theo hình thức công viên mở, với mô thức cộng đồng chung sống. Bên cạnh sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị cao tầng, mật độ dày đặc thì việc đưa vào quy hoạch để bảo vệ, giữ gìn những không gian di sản văn hóa, lịch sử như trên vô cùng ý nghĩa. Thực hiện được như vậy thì quy hoạch đô thị "Quận Đan Phượng" trong tương lai không xa, sẽ là một bản quy hoạch đô thị mẫu mực, không chỉ ở Việt Nam, mà còn mang tầm quốc tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, những ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ giúp huyện xây dựng kế hoạch tổng thể để có định hướng quy hoạch, xây dựng vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh Tô Hiến Thành, nhân dịp kỷ niệm 850 năm ngày mất của ông (1179-2029).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị đã nỗ lực, cố gắng tổ chức hội thảo khoa học cung cấp những luận cứ, khẳng định quyết tâm của thành phố Hà Nội, cụ thể hóa quy hoạch của Chính phủ. Hội thảo không chỉ giúp huyện Đan Phượng làm nên vai trò, vị trí quan trọng của thành Ô Diên trước đây và hiện nay, mà còn đóng góp cho thành phố và cả quốc gia về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và thăng long Hà Nội. Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc khẳng định những giá trị khoa học, mà còn làm rõ những điều kiện thuận lợi về quy hoạch, về quan điểm tầm nhìn của Đảng, Nhà nước, các triết lý, quan điểm trước đây và xu hướng quy hoạch của thế giới hiện nay…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, trong 5 trụ cột định hướng cho phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó có trụ cột rất quan trọng dựa trên nguồn lực nhân văn, văn hóa và nguồn lực con người. Với tư cách là Thủ đô Hà Nội với bề dày lịch sử hơn một nghìn năm, nếu tính cả thời Cổ Loa, Ô Diên, Thăng Long - Hà Nội chúng ta đã có hơn 2000 năm, một điều đặc biệt hiếm có của các Thủ đô trên thế giới. Chính vì thế chúng ta đã rất trân trọng xác định văn hóa, con người trong phát triển nhanh, bền vững của Hà Nội. Ý kiến của các nhà khoa học cũng trùng với định hướng phát triển của Hà Nội, thời gian vừa qua và thời gian tới. Hà Nội có riêng một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa của Hà Nội chiếm 8% GRDP, là nguồn lực nội sinh, tạo đà để địa phương phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, sau hội thảo này, huyện Đan Phượng có báo cáo với lãnh đạo thành phố những công việc cụ thể để thành phố có những hỗ trợ. Bên cạnh đó, với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của huyện, cần làm ngay công tác quy hoạch; biên tập những tài liệu cụ thể đưa vào các nhà trường để thế hệ trẻ hiểu, yêu truyền thống quê hương…