Giáo dục

Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên: Tự chủ tuyển dụng gắn với tăng trách nhiệmBài cuối: Đổi mới tuyển dụng giáo viên là giải pháp căn cơ

Thống Nhất 14/02/2025 - 06:37

Cả nước hiện còn thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển dụng vẫn khó khăn, song thực tế, nhiều sinh viên sư phạm lại thất nghiệp.

Đổi mới tuyển dụng, giao quyền tuyển dụng cho các cơ quan quản lý giáo dục hoặc các cơ sở giáo dục tự chủ như nội dung dự thảo Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ là giải pháp căn cơ có thể giải quyết tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm qua.

giao-vien.jpg
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) tìm hiểu, nghiên cứu việc sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Nguyễn Quang

Giao quyền tự chủ tuyển dụng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà giáo, ngày 9-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Luật Nhà giáo ra đời, các thầy chờ đón rất nhiều. Làm sao tạo cho người thầy đón nhận Luật với tâm thế thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi chứ đừng để Luật đề ra thì người thầy lại thấy khó khăn hơn”. Điều này cho thấy, ý nghĩa quan trọng của Luật Nhà giáo và trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Luật sau khi được ban hành. Đặc biệt là khâu tuyển dụng - một trong những nội dung mới, mang tính đột phá, nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng, đáp ứng tốt hơn mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để bảo đảm hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động đề xuất các giải pháp tổ chức tuyển dụng giáo viên theo địa bàn, mô hình trường, đồng thời với các giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng giáo viên.

Trước nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc giao quyền tuyển dụng theo tinh thần phân cấp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất phân cấp mạnh hoặc trực tiếp cho cơ sở giáo dục hoặc cho cơ quan quản lý giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, hơn 50.000 cơ sở giáo dục ở 63 tỉnh, thành phố có quy mô khác nhau, điều kiện cũng khác nhau. Cùng là cơ sở giáo dục nhưng trường mầm non khác với trường trung học; trường trung học ở khu vực Hà Nội khác với trường trung học ở khu vực miền núi, vùng khó khăn...

Quy trình tuyển dụng đòi hỏi nhiều công việc chặt chẽ, đội ngũ nhân lực có năng lực, từ việc thành lập hội đồng tuyển dụng, ra đề, chấm thi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra... Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến phương án giao quyền tự chủ tuyển dụng nhưng áp dụng linh hoạt, căn cứ điều kiện thực tế và năng lực từng đơn vị, ở từng địa bàn để tránh gây áp lực, khiến các trường quá sức và không bảo đảm hiệu quả. Những trường ở nơi thuận lợi, có năng lực thì hoàn toàn có thể mạnh dạn phân cấp, giao quyền tuyển dụng; còn trường ở khu vực khó khăn, miền núi cần linh hoạt hơn.

Cùng với mong muốn được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, thậm chí, mong muốn cao hơn nữa là được giao quyền quản lý tổng thể viên chức để chủ động hơn trong điều tiết nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đề xuất giao thẩm quyền điều động nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc phân cấp, góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Đem lại hiệu ứng tốt, nhận được đồng thuận

Đồng tình, ủng hộ với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc được tự chủ trong tuyển dụng, đại diện một số phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho biết, sẵn sàng điều kiện, năng lực đáp ứng.

Thực tế, vài năm gần đây, Hà Nội đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức việc tuyển dụng giáo viên đối với cấp trung học phổ thông, đem lại hiệu ứng tốt, nhận được đồng thuận. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương bày tỏ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì tổ chức tuyển dụng giáo viên làm việc tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thủ đô là phù hợp, cần thiết và bảo đảm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho các trường.

Với quy mô học sinh lớn nhất cả nước, để đáp ứng việc giảng dạy số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng (mỗi năm Hà Nội tăng từ 40.000 đến 60.000 học sinh đầu cấp), hệ thống các trường ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô đóng vai trò quan trọng. Những năm qua, vì chủ động và có kinh nghiệm, nên các trường ngoài công lập đều mong muốn được phát huy tinh thần tự chủ, chịu trách nhiệm và sẵn sàng đáp ứng các quy định về tổ chức tuyển dụng giáo viên. Minh chứng là những đóng góp về chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập trong thành tích chung, khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước của ngành Giáo dục Hà Nội những năm qua và luôn được phụ huynh tin tưởng.

Trong khi đó, góp ý về vấn đề tự chủ trong tuyển dụng, theo chuyên gia, với các trường công lập có điều kiện và năng lực tốt, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét thí điểm trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc tuyển dụng giáo viên. Như vậy, các trường sẽ linh hoạt tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu, bổ sung kịp thời nhân lực theo quy định. Sinh viên sư phạm cũng có thêm cơ hội và thuận lợi hơn trong việc nộp hồ sơ ứng tuyển.

Tuy nhiên, kế hoạch, phương án tuyển dụng của trường phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm ngăn ngừa tiêu cực. Cách thức này tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường, nếu cố tình làm sai, lạm dụng quyền hạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn với các trường học ở vùng khó khăn, chưa đủ năng lực trực tiếp tuyển dụng, cấp có thẩm quyền cần linh hoạt có phương án phù hợp để bảo đảm chủ trương “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.