Kinh tế

Bất cập về thể chế - động lực phát triển bị “trói buộc”!

Bảo Hân 13/02/2025 - 07:00

Tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về kinh tế, khơi thông nguồn lực, tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới là một trong những nội dung được Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới nhân dịp đầu xuân mới 2025.

tien-si.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm.

- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, một trong 3 cơ sở để định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới chính là Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về sức mạnh của nền kinh tế đất nước ta hiện nay?

- Trong gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng, Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạo nền tảng ngân sách tích cực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo lan tỏa thúc đẩy đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sức mạnh của nền kinh tế còn thể hiện ở sự hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới. Trong đó có thể thấy, hiện nay Việt Nam đã ký và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do, giao dịch thương mại quốc tế với trên 60 nền kinh tế ở khắp các châu lục, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại và thu hút đầu tư hàng đầu thế giới; tạo thời cơ và sức mạnh cho động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nền kinh tế.

Cùng với sức mạnh về thương mại quốc tế, Việt Nam có hệ thống chính trị và môi trường vĩ mô ổn định; môi trường thể chế minh bạch, thông thoáng; vị trí địa lý thuận lợi; có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam đồng thời là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự trỗi dậy của kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn khi thu hút gã khổng lồ công nghệ hàng đầu của Mỹ là NVIDIA đầu tư vào Việt Nam, mở ra tiềm năng tăng trưởng của ngành trí tuệ nhân tạo (AI).

- Bên cạnh những thế mạnh trên, Tổng Bí thư cũng lưu ý nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu. Theo ông, những nguy cơ này là gì?

- Tăng trưởng kinh tế của đất nước đang đối mặt với 3 nhóm rào cản: Bộ máy công quyền quan liêu, trì trệ, kém hiệu quả. Quá trình ra quyết định, thực thi quyết định quá chậm khiến nguồn lực không được sử dụng hiệu quả; Cơ sở hạ tầng chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nguồn nhân lực đông về số lượng, kém về chất lượng.

Mặc dù thể chế và môi trường pháp lý của chúng ta đã khá đầy đủ nhưng nội dung còn nhiều bất cập. Các văn bản quy phạm pháp luật vì lợi ích ngành, lợi ích nhóm chưa được xóa bỏ, xử lý kịp thời. Một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, vô cảm với những khó khăn của doanh nghiệp và người dân là điểm nghẽn, cản trở quá trình thực hiện chính sách, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số nhưng chưa được coi là lực lượng chủ yếu, động lực quan trọng nhất cho phát triển; chưa được bình đẳng về thể chế và tiếp cận các nguồn lực như doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Công nghệ và phương thức sản xuất của nền kinh tế lạc hậu. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phản ánh trình độ sản xuất của nền kinh tế về cơ bản dừng lại ở trình độ lắp ráp - Trình độ thấp nhất trong 4 cấp độ công nghiệp hóa. Ngoài ra, thị trường lao động bộc lộ một số hạn chế đáng lo ngại khi cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cơ cấu lao động theo 3 khu vực kinh tế chưa hợp lý. Số lượng lao động tăng nhanh nhưng ở khu vực phi chính thức; chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu; lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp là nguy cơ nội tại của nền kinh tế, ảnh hưởng tới năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Ông từng đưa ra con số từ 2-3% tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị kìm hãm bởi bất cập về thể chế. Sự kìm hãm này cụ thể ra sao và giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng nhanh?

- Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi luật và các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn trong hoạt động kinh tế. Tuy vậy, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, hệ thống thị trường hình thành và phát triển chưa đồng bộ đang cản trở sự phát triển.

Cùng với đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt.

Hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật chưa minh bạch, thiếu cụ thể, không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các thực thể kinh tế. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện, đây là nguồn gốc của sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội đầu tư, gia tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính ổn định của pháp luật thấp, phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung dẫn đến những tác động tiêu cực tới quyền, lợi ích hợp pháp của các thực thể kinh tế, gây nhiều khó khăn trong thực hiện pháp luật và hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước.

Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập.

Do bất cập về thể chế, các thực thể kinh tế và động lực phát triển bị trói buộc, không phát huy được hết năng lực và hiệu quả cho tăng trưởng, tạo nên nghịch lý khác thường, đó là: Doanh nghiệp không muốn mở rộng quy mô, lòng tin của doanh nghiệp và người dân vào sự quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước bị suy giảm; nền kinh tế khát vốn, nhưng không hấp thu được nguồn vốn sẵn có trong nước.

- Vậy theo ông, thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện như thế nào?

- Để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư công, các nhà lập pháp phải đổi mới tư duy, tầm nhìn, tất cả vì lợi ích của dân tộc, kiên quyết xóa bỏ lợi ích ngành, lợi ích nhóm dưới mọi hình thức. Chính phủ và Quốc hội cần chủ động tháo gỡ nhanh nhất, hiệu quả nhất điểm nghẽn về đầu tư công. Trong đó, ưu tiên hàng đầu rà soát toàn diện các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư công nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong hình thành, phân bổ và triển khai các dự án đầu tư công.

Các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; xóa bỏ cơ chế "chạy" dự án. Thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay.

Giải phóng mặt bằng cần được tập trung xử lý theo hướng bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai dự án.

Ngoài ra, để dự án sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý tới năng lực thi công và khả năng tài chính của các nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công. Nhà thầu phải chứng minh được năng lực kỹ thuật, có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án được giao thi công, có uy tín và nghiêm túc trong thực hiện dự án.

- Trân trọng cảm ơn ông!