Pháp luật

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đối thoại tại nơi làm việc

Thu Minh 05/02/2025 17:40

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đối thoại tại nơi làm việc là một nhiệm vụ quan trọng trong tuyên truyền chính sách pháp luật lao động. Các nội dung này được quy định rõ trong Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Điều 63, Chương V, mục 1 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc nêu rõ: Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

6-doi-thoai-la-noi-dung-quan-tam.jpg
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đối thoại tại nơi làm việc là một nội dung quan trọng được đông đảo đại diện doanh nghiệp và người lao động quan tâm. (Ảnh: Minh Thu).

Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây: a) Định kỳ ít nhất 1 năm một lần; b) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên; c) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Nội dung đối thoại tại nơi làm việc được quy định tại Điều 64 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Ngoài nội dung quy định nêu trên, các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại: (a) Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; (b) Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; (c) Điều kiện làm việc; (d) Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động; (đ) Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động; (e) Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Chương 5 Nghị định 145/NĐ-CP cũng quy định rõ nội dung đối thoại tại nơi làm việc. Theo đó, về trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019. Ở nơi làm việc có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động này tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ (sau đây gọi là nhóm đại diện đối thoại của người lao động) để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019. Số lượng thành viên nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ.

6-quan-tam-doi-thoai.jpg
Trong quá trình tham gia tuyển dụng, người lao động cần quan tâm tìm hiểu chính sách pháp luật lao động để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình. (Ảnh: Minh Thu).

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc các nội dung chủ yếu sau để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019:

a) Nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc;

b) Số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên theo quy định tại Điều 38 Nghị định này;

c) Số lần, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm;

d) Cách thức tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc;

đ) Trách nhiệm của các bên khi tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019;

e) Việc áp dụng quy định tại Điều 176 của Bộ luật Lao động năm 2019 đối với các thành viên đại diện tham gia đối thoại bên người lao động mà không phải là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

g) Nội dung khác (nếu có).

Ngoài quy định nêu trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

a) Cử đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định;

b) Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc;

c) Báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động có trách nhiệm:

a) Cử thành viên đại diện tham gia đối thoại theo quy định;

b) Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

c) Lấy ý kiến người lao động, tổng hợp và chuẩn bị nội dung đề nghị đối thoại;

d) Tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2019 và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2019 phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động tại nơi làm việc và quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.