Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Sáng 12-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
![quochoi7.jpg](https://hnm.1cdn.vn/2025/02/12/quochoi7.jpg)
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội để làm rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật. Việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ được tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực chuyên ngành.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội (Chương IV của Luật Tổ chức Quốc hội) theo hướng tiếp tục khẳng định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội; số lượng, tên gọi các Ủy ban do Quốc hội quyết định; quy định các chức năng cơ bản của các cơ quan của Quốc hội tập trung vào 3 nội dung thẩm tra - giám sát - kiến nghị; quy định khái quát về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với Kết luận số 111-KL/TƯ của Bộ Chính trị như xác định Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; không quy định về Phó Tổng Thư ký, Ban Thư ký, về cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội như việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, về kinh phí hoạt động của Quốc hội.
![quoc-hoi6.jpg](https://hnm.1cdn.vn/2025/02/12/quoc-hoi6.jpg)
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, trong lần sửa đổi này, tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Đối với các nội dung có liên quan khác được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chẳng hạn như việc thay đổi tên gọi của một số Ủy ban sau khi sắp xếp, sáp nhập, về quy trình thực hiện một số công việc trong công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước,... thì sẽ được nghiên cứu, kết hợp xử lý ở các văn bản phù hợp và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ chín hoặc kỳ họp thứ chín sắp tới.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, trong đó xác định cụ thể các văn bản cần được ban hành ngay để có hiệu lực đồng thời với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, khi Luật này có hiệu lực thi hành. Do đó, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc xác định phạm vi và cách thức sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như nêu tại tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp.