Quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê bình và yêu cầu các bộ, 30 địa phương chưa gửi báo cáo kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm cá nhân và phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 17-2-2025 về các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai.
Thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các dự án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài. Nhờ đó, nhiều công trình, dự án chậm tiến độ đã kịp thời khắc phục vướng mắc, đưa vào vận hành, hoạt động tốt. Nhiều công trình được triển khai thần tốc, rút ngắn thời gian thi công.
Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều công trình, dự án chưa được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn để tồn đọng, dừng thi công kéo dài. Trong đó có một số dự án được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như báo chí nhiều lần “chỉ tên” như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức… gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận xã hội.
Tại thành phố Hà Nội cũng xác định 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ và ban hành kế hoạch để xử lý, giải quyết theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Đến tháng 11-2024 đã có 706 dự án (chiếm 99,2%) với tổng diện tích 11.352ha đất đã được rà soát, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý.
Dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần là nguyên nhân dẫn đến đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm tại nhiều nơi còn yếu; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn...
Trước yêu cầu cấp thiết trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 8-2-2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay.
Để chỉ đạo trên được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, trước hết, các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí. Trong đó, tập trung rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công; trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Cùng với đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý; xác định rõ trách nhiệm nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan, đơn vị thực hiện để kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Đặc biệt, cần xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực… Như vậy, việc xử lý các dự án chậm tiến độ mới đạt hiệu quả thực sự, góp phần khơi thông nguồn lực cho toàn xã hội.