Khoa học - Công nghệ

Phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử:Bắt đầu từ hoàn thiện thể chế

Thu Hằng 11/02/2025 - 06:41

Năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hạt nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực tham mưu hoàn thiện thể chế để Việt Nam tiếp tục phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả.

phong-xa.jpg
Vận hành thiết bị sản xuất tại Trung tâm Đồng vị (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt).

Sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Một trong những thành tựu khoa học vĩ đại của nhân loại là khám phá ra “tia bức xạ” và tinh chế thành công các nguyên tố phóng xạ đầu tiên. Điều này đã mở ra kỷ nguyên của ứng dụng năng lượng nguyên tử, từ việc tạo ra nguồn năng lượng mới - năng lượng hạt nhân (điện hạt nhân, vũ khí hạt nhân) cho đến ứng dụng bức xạ phục vụ cuộc sống, tiêu biểu như trong các lĩnh vực y tế (điện quang, y học hạt nhân, xạ trị và sản xuất thuốc phóng xạ), công nghiệp (chiếu xạ, chụp ảnh phóng xạ, kỹ thuật đo mật độ, bề dày vật chất...), nông nghiệp (đột biến, tiệt sinh côn trùng gây hại, kích thích sinh trưởng...) và các lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường...

Nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm, chỉ đạo lĩnh vực này. Năm 2008, Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Lần đầu tiên ở nước ta có một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về năng lượng nguyên tử, đặc biệt là về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân, tạo khung pháp lý để thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Tuấn Khải, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Luật Năng lượng nguyên tử không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ nói chung, công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân nói riêng. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung của nhiều đạo luật có liên quan đến việc thi hành Luật Năng lượng nguyên tử đã phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ, ngành, gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Vì vậy, Luật Năng lượng nguyên tử cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Sẵn sàng cho các dự án hạt nhân trọng điểm

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các dự án quan trọng, như: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai..., góp phần phát triển bền vững ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025) và thông qua vào kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025).

Xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhóm chính sách, bao gồm: Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương xây dựng và dự kiến sẽ ban hành Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân trong quý I-2025. Chương trình nghiên cứu này nhằm nâng cao năng lực nội tại trong nước, hướng tới quản lý, vận hành an toàn và hiệu quả, cũng như tiếp thu công nghệ phục vụ lâu dài các dự án điện hạt nhân.

Đồng thời, Bộ rà soát hiện trạng nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân; từ đó, đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý III-2025.