Chuyển biến tích cực trong trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội
Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (ngày 26-12-2024) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, trật tự an toàn giao thông ở Hà Nội đã chuyển biến tích cực, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao.
Đây thực sự là những bước đầu tạo lập môi trường giao thông an toàn, văn minh bền vững tại Thủ đô trong thời gian tới.
![giao-thong.jpg](https://hnm.1cdn.vn/2025/02/11/giao-thong.jpg)
Hiểu đúng và linh hoạt khi xử lý
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cử tri và nhân dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng đã làm xuyên Tết, xuyên đêm, nhờ vậy tỷ lệ tai nạn giao thông và số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên cả nước cũng như tại Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định tính hiệu quả của việc triển khai Nghị định số 168/2024/NĐ-CP.
Còn theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, từ 1-1-2025 đến 4-2-2025, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý 19.892 trường hợp vi phạm, giảm 42,6% so với tháng trước, khi chưa áp dụng Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn còn gần 5.000 trường hợp; vi phạm tốc độ 1.441 trường hợp; vi phạm quá tải, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm cũng giảm mạnh.
Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, người dân và cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm đến tác động của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Những chuyển biến tích cực đã được nêu rõ trên báo chí, các nền tảng mạng xã hội, nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của người dân. Bên cạnh đó, những tình huống phát sinh như cố tình quên giấy phép lái xe để không bị trừ điểm; không nhường đường cho phương tiện ưu tiên vì sợ “phạt nguội”; những ý kiến trái chiều về mức xử phạt quá cao, cũng như việc xử lý chưa linh hoạt, cứng nhắc trong các tình huống tín hiệu đèn, nhường đường cho xe ưu tiên… cũng được Phòng Cảnh sát giao thông thông tin làm rõ để người dân hiểu đúng về tinh thần Nghị định số 168/2024/NĐ-CP.
Trung tá Đào Việt Long nêu dẫn chứng, trong tình huống khẩn cấp, việc đưa người gặp nạn đi cấp cứu là hành động nhân văn và cần thiết. Tuy nhiên, khi hệ thống phạt nguội ghi nhận lỗi vi phạm, không ít người băn khoăn liệu có bị xử phạt hay không. Câu chuyện của anh Phạm Anh Vượng trên đường Võ Chí Công là minh chứng cho nguyên tắc pháp luật kết hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho những người có hành động đúng đắn, vì lợi ích cộng đồng xã hội.
Theo đó, khi rà soát các phương tiện bị “phạt nguội”, Phòng Cảnh sát giao thông phát hiện trường hợp anh Phạm Anh Vượng (sinh năm 1988, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển ô tô lưu thông trên đường Võ Chí Công vi phạm vượt đèn đỏ. Nhưng sau khi tiếp nhận trình báo của anh Vượng về tình huống vượt đèn đỏ là do anh phát hiện một người phụ nữ nằm bất tỉnh trên đường do tai nạn nên đã cùng lực lượng chức năng đưa nạn nhân đi cấp cứu bằng phương tiện cá nhân của mình…
Với tinh thần trách nhiệm cao, Phòng Cảnh sát giao thông đã nhanh chóng xác minh làm rõ, gỡ bỏ thông báo phạt nguội, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công dân. Chia sẻ về điều này, anh Phạm Anh Vượng cho biết, trường hợp của bản thân là minh chứng rõ ràng cho việc thực thi pháp luật không cứng nhắc. Quan điểm “giúp người gặp nạn là có thể bị phạt” là không chính xác và cần được bác bỏ.
Tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm
Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ đã chứng kiến sự thay đổi tích cực trong tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông… kể từ thời điểm Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực (1-1-2025). Hình ảnh người dân tuân thủ nghiêm túc việc dừng chờ đèn tín hiệu giao thông trên đường phố thực sự đẹp và gây ấn tượng mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, những kết quả bước đầu kể trên là minh chứng cho thấy Nghị định số 168/2024/NĐ-CP nhanh chóng đi vào cuộc sống, từng bước xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh và bền vững. Việc xử lý vi phạm sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, hướng đến xây dựng văn hóa giao thông “văn minh, hiện đại, an toàn”, góp phần tạo chuyển biến bền vững trong trật tự an toàn giao thông của Thủ đô.
Để tiếp tục duy trì trật tự an toàn giao thông, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn, gồm: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy; cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ, gây mất an toàn; vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn, đi ngược chiều; điều khiển xe thành đoàn, lạng lách, đua xe trái phép; lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị giám sát hành trình không đúng quy định; vi phạm của lứa tuổi học sinh, trong đó có hành vi điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện, không đội mũ bảo hiểm.