Văn hóa

Xã Hạ Mỗ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố miếu Hàm Rồng

Nguyễn Mai 09/02/2025 - 17:21

Ngày 9-2, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố miếu Hàm Rồng.

ha-mo-1.jpeg
Cán bộ, chính quyền và nhân dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố miếu Hàm Rồng. Ảnh: Minh Phú

Theo sử sách ghi lại, thế kỷ thứ VI, vùng đất Hạ Mỗ có thành Ô Diên là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân do vua Lý Nam Đế xây dựng. Miếu Hàm Rồng cùng với đình Vạn Xuân và đền Chính Khí là nơi thờ Lý Bát Lang - Hoàng tử của Hậu Lý Nam Đế.

Di tích miếu Hàm Rồng vốn xưa là phủ đệ của Hoàng tử Lý Bát Lang. Năm Tân Mão 571 khi ông mất, nhân dân xây cất miếu thờ ông ngay trên đất phủ đệ và cũng là nơi ông hóa. Từ đó đến nay, miếu đã 7 lần tu tạo. Miếu có kiến trúc chữ Đinh gồm hậu cung và tiền tế. Trong hậu cung đặt 2 pho tượng cổ còn nguyên vẹn bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ tinh vi có niên đại hàng trăm năm. Ngôi miếu mang trong mình giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật..., góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa thể hiện ở một cơ cấu tổ chức làng xã hoàn chỉnh, chặt chẽ với những thiết chế tốt đẹp còn lưu giữ lại đến hôm nay. Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 22-3-2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 1567/QĐ-UBND xếp hạng miếu Hàm Rồng, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng là di tích lịch sử cấp thành phố.

ha-mo-2.jpeg
Phụ nữ xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) thổi cơm thi. Ảnh: Minh Phú

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Đan Phượng là huyện nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài. Toàn huyện hiện có 155 di tích, trong đó có 88 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp thành phố. Các di tích được nhân dân quan tâm gìn giữ, bảo vệ, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến xã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo.

Hạ Mỗ là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, là nơi khởi nguồn dòng sông Nhuệ cổ và mang dấu tích của Thành cổ Ô Diên. Hạ Mỗ hiện còn bảo tồn được 9 di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu cho vùng xứ Đoài, trong đó có 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Đặc biệt, Hạ Mỗ có 2 di tích thờ 2 vị văn tướng và võ tướng nổi tiếng của nước ta là đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành và đền Tri Chỉ thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

ha-mo-3.jpeg
Sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Lễ hội làng Hạ Mỗ. Ảnh: Minh Phú

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hạ Mỗ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng chí cũng đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, phát huy nguồn lực, nhằm xây dựng di tích miếu Hàm Rồng ngày càng khang trang.

Nhân dịp lễ hội truyền thống làng Hạ Mỗ từ ngày 8 đến 10 tháng 2 (tức 11 đến 13 tháng Giêng Ất Tỵ), chính quyền, nhân dân địa phương đã tổ chức rất nhiều hoạt động lễ và hội. Trong đó phần hội có: Giải bóng chuyền hơi, trò chơi dân gian, cờ tướng, nấu cơm thi, nấu cháo se… tạo không khí vui tươi, giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn và gắn kết tình làng nghĩa xóm…