Đầu năm thưởng trà sen Bách Diệp
Tôi từng nghe nói rằng: Thưởng trà là một hình thức nghi lễ, nghệ thuật. Và thực hành uống trà có nguồn gốc từ các nền văn hóa truyền thống.
Đây không chỉ là việc uống trà hằng ngày mà còn là một trải nghiệm tâm linh, tĩnh lặng cũng như sự tận hưởng từ việc nếm thấy hương vị và thưởng thức trà.
Có lẽ như vậy nên thưởng trà mang trong mình những giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Nó tạo ra sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Việc thưởng trà là cách để con người tận hưởng hương vị của tự nhiên và cảm nhận môi trường xung quanh.
Với ý nghĩa sâu sắc như vậy nên trà để thưởng phải là loại trà đặc biệt, và dĩ nhiên là giá thành không hề “bình dân”. Có lần, tôi được thưởng trà sen Bách Diệp. Đó là ngày đầu năm mới, tôi lên thăm, chúc Tết nghệ nhân ướp trà sen Ngô Văn Xiêm. Trong căn nhà đồng thời là cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm trà ướp sen kiêm cơ sở sản xuất trà sen Hiền Xiêm, một căn nhà trông ra hồ Tây, nằm trên đường Quảng Khánh (phường Quảng An, quận Tây Hồ), nghệ nhân Ngô Văn Xiêm mời tôi ngồi rồi rót chén nước chè nóng hổi. Tôi cảm ơn và chậm rãi uống từng ngụm. Vị thơm của hoa sen nhè nhẹ đầu môi hòa quyện cùng hương thơm riêng có của chè Tân Cương, Thái Nguyên. Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm sau khi nghe tôi nói về thú “thưởng trà” đã bổ sung thêm: “Thưởng trà sen không dành cho người khát nước”. Tôi hiểu ý tứ sâu xa của ông, bởi khi thưởng trà sen Bách Diệp phải uống từ từ để cảm nhận sự tao nhã giữa tiết xuân.
Câu chuyện ngày đầu năm mới tập trung vào chuyện trà sen. Ông Ngô Văn Xiêm cho hay: “Gọi là trà sen Quảng An là vì thứ trà ướp sen này do những nghệ nhân người làng Quảng Bá (phường Quảng An) sản xuất. Còn gọi là trà sen Bách Diệp là bởi chè Tân Cương Thái Nguyên được những nghệ nhân ướp trong bông hoa sen Bách Diệp. Đây là một loài hoa sen được trồng ở hồ Đầm Trị, thuộc phường Quảng An. Rồi ông khẳng định: “Chỉ có sen Bách Diệp trồng ở hồ Đầm Trị là tốt hơn cả. Đây là một giống sen quý có màu hồng, được “uống” nước hồ Đầm Trị nên có hương thơm thanh nhã. Việc ướp chè Tân Cương trong lòng bông sen Bách Diệp tạo nên thứ hương nhẹ nhàng mà không lấn át hương tự nhiên của chè Tân Cương”.
Câu chuyện thêm phần lý thú khi nghệ nhân Ngô Văn Xiêm cho biết gia đình ông đã có 5 đời làm nghề ướp trà sen. Hiện nay, vợ chồng 3 người con của ông đều làm nghề ướp trà sen. Mấy đứa cháu nội, ngoại cũng tích cực phụ giúp sau những buổi học. Nói như ông Xiêm, đó là cách để các cháu nối nghiệp gia đình.
Cơ sở chè của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm có thương hiệu là “Trà sen Hiền Xiêm” - lấy tên của vợ chồng ông ghép lại. Và cả hai vợ chồng ông đều được công nhận là nghệ nhân ướp trà sen. Hiện, ở phường Quảng An, số gia đình làm nghề ướp trà sen không nhiều. Nổi tiếng có các nghệ nhân như Nguyễn Thị Dần (cụ vừa mất cách đây ít tháng, thọ hơn 100 tuổi), Đàm Thị Oanh, Ngô Thị Phấn...
Say sưa với câu chuyện ướp và pha trà sen, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm cho biết, hằng năm, gia đình ông đều đặt mua chè của một gia đình có nghề trồng chè “gia truyền” ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Chè của gia đình này có chất lượng tốt, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên rất an toàn và “sạch”.
Nhờ sử dụng loại chè chất lượng cao cùng các kỹ thuật ướp chè độc đáo, tháng 12-2024, nghề ướp trà sen Quảng An đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Xiêm hào hứng nói: “Người dân làng Quảng Bá chúng tôi ai ai cũng tự hào, nhắc nhau phải giữ và truyền nghề cho lớp con cháu sau này”.
Cầm chén trà sen Bách Diệp trên tay mà hương thơm cứ quấn quýt mãi, tôi bèn hỏi ông Xiêm cách pha trà, ông cho hay: “Chè Tân Cương sau khi được ướp trong bông hoa sen Bách Diệp, khi mở để pha dứt khoát không được rửa, tức là chè cho vào ấm thì không được tráng chè bởi chè đã sạch sẵn. Chè phải được pha trong ấm gốm của Bát Tràng sẽ bảo đảm hương vị thơm ngon hơn khi pha bằng ấm sành, sứ.
Khi pha, ấm và chén gốm cần được tráng bằng nước sôi. Số lượng chè cho vào ấm tùy theo khẩu vị của người uống và căn cứ vào số lượng người uống nhiều hay ít mà lấy lượng vừa đủ để trà không bị nhạt hay đặc quá. Sau đó, đổ nước sôi 90o. Nước đầu tiên chỉ đổ xâm xấp, đợi chừng 1 - 2 phút cho búp chè nở ra mới đổ nước tiếp. Lượng nước cũng chỉ cần vừa đủ với số người uống. Khi rót trà phải tuần tự từng chén, sao cho đều nhau rồi quay lại để nước trong các chén chè đều như nhau, không chén nào có vị đậm hoặc nhạt hơn các chén khác.
Tôi gật gù tâm đắc với cách rót trà vào chén này bởi trước nay, hễ nhà có khách, chủ nhà thường rót cho khách trước, sau cùng mới rót cho mình. Cách rót trà đó tưởng là tôn trọng khách, hóa ra lại không trọn vẹn bởi chén nước đầu thường nhạt và chén nước cuối thường đậm. Tôi cũng nhiều lần được coi là khách quý nên cứ phải uống mãi những chén nước chè nhàn nhạt mà không dám nói với chủ nhân. Nói ra chỉ sợ mất lòng gia chủ.
Ấm trà sen Quảng An hay ấm trà sen Bách Diệp trong ngày đầu năm mới trôi qua thong thả. Tôi đứng dậy cảm ơn ông Xiêm và chào ra về. Trên đường về nhà, hương trà sen cứ thơm và ngọt mãi, thứ hương vị đặc sản của mảnh đất Tây Hồ, Hà Nội.