Văn hóa

Đình Linh Đàm

Quỳnh Ngọc 09/02/2025 - 06:53

Đình Linh Đàm xưa thuộc làng Linh Đàm (hay Linh Đường; thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì), nay là phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Đình là nơi thờ thành hoàng làng Bảo Ninh vương - vị thủy thần và là học trò của thầy giáo Chu Văn An, người có công làm mưa chống hạn cứu mùa màng cho dân làng.

dinh-2.jpg

Đình Linh Đàm tọa lạc trên một địa thế đẹp của ngôi làng Linh Đường nằm ở phía nam đầm Liên Đàm - nơi trồng nhiều hoa sen và được ngợi ca là “Kinh Nguyệt hồ”. Đình có quy mô khá bề thế với lối kiến trúc truyền thống kiểu chữ “Công”. Bên ngoài là nghi môn ngoại, xây kiểu tam quan gồm 3 cửa cuốn vòm. Sau đó là nghi môn xây kiểu tứ trụ, ô lồng đèn; trên đỉnh trụ giữa đắp hình trái dành, thân bổ trụ đắp các đôi câu đối. Trên đỉnh hai trụ bên ngoài có đôi nghê chầu...

Trong đình Linh Đàm hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như 15 đạo sắc phong; 1 cuốn thần tích do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ I (1572); 1 tấm bia đá “Phụng sự hậu thần bi ký” niên đại Chính Hòa 10 (1689)...

Ngoài kiến trúc độc đáo, đình Linh Đàm còn nổi tiếng với lễ hội thờ thủy thần - đức thánh Bảo Ninh vương, diễn ra vào ngày 10 tháng Hai hằng năm. Trong đó, không thể thiếu là tục trai đinh của giáp Thượng và giáp Đông tát ao đánh cá, chọn ra những con to nhất để làm cỗ thờ.

Vào mùng 10 chính hội, sau những nghi lễ tế thần là lễ rước. Đám rước gồm đội cờ, nhạc trống, bát âm, đội nhạc rồi đến kiệu đức thánh Ông do 18 trai đinh nghênh rước, còn kiệu bà chúa Trần (vị thần được phối thờ trong đình) do 18 thiếu nữ rước.

Hội rước bắt đầu từ đình làng đi quanh làng Linh Đàm, qua làng Đại Từ xuống vực Tựu (xã Tựu Liệt) và xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Đây là dấu tích đức thánh Bảo Ninh bị trời phạt. Khi tới bờ vực Tựu, kiệu được hạ để các bô lão lấy nước vào chóe rồi đưa lại về đình làm nước cúng thần quanh năm. Tiếp đó là lễ tế, dâng lên đức thánh những con cá to đã được chặt bỏ đầu rồi chế biến thành các món nướng, rán, nấu dấm rượu và nghệ. Tục hèm bỏ đầu cá tượng trưng cho việc thủy thần Bảo Ninh vương bị trời phạt mất đầu, chỉ còn thân xác nổi lên ở đầm sau khi làm lễ cầu mưa cứu mùa màng.

Với nhiều giá trị lịch sử văn hóa, đình Linh Đàm đã được xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1996.