TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh: Kỳ vọng bước chuyển mình mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng

Nguyễn Lê 08/02/2025 - 18:05

Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải chuyển mình mạnh mẽ về diện mạo đô thị, thông qua việc đề xuất đầu tư nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn phía trước, cần cơ chế đặc thù vượt trội hơn.

anh-1.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh cần cơ chế đặc thù vượt trội hơn để thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Ảnh: HT

Tiếp cận động lực tăng trưởng mới

Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 1-2025 mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025 là một bài toán rất khó, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến khó lường như hiện nay.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để giải quyết những “điểm nghẽn”, tận dụng thế mạnh và thời cơ, tập trung nguồn lực và bám sát kế hoạch đề ra; đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo ra sự chủ động cho các đơn vị.

Về nguồn lực, tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt trên 600.000 tỷ đồng, phấn đấu đạt 620.000 tỷ đồng trên thực tế; trong đó, đầu tư công phải đạt trên 95% kế hoạch năm, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng lớn.

Chính vì vậy, thành phố đề ra các giải pháp trọng tâm trong năm 2025, như: Đẩy mạnh đột phá về thể chế, pháp luật; huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn lực để đầu tư phát triển; cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút FDI và đầu tư khu vực tư nhân; đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động; khơi thông thị trường bất động sản; tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu…

Đặc biệt, ngoài các động lực tăng trưởng truyền thống (sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, dịch vụ, tiêu dùng…), thành phố cần tiếp cận và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

anh-3.jpg
Cầu Ba Son kết nối trung tâm quận 1 với Trung tâm tài chính trong tương lai. Ảnh: MH

Tại phiên họp Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh ngày 8-2, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để tăng trưởng tối thiểu 10%, thành phố nghiên cứu chia thành 2 giai đoạn: Tăng trưởng 8% và tiếp tục các giải pháp để tăng trưởng thêm 2%.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, động lực để tăng trưởng thêm 2% có thể đến từ việc triển khai các chương trình, đề án, quan trọng, trọng điểm như đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường sắt đô thị (metro) Thủ Thiêm - Long Thành; dự án metro kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ; nghiên cứu dự án đường ven biển từ thành phố xuống Đồng bằng sông Cửu Long…

Dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TĐ
Dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TĐ

Đề xuất cơ chế đặc thù vượt trội hơn

Liên quan dự án metro kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với nhà đầu tư và các bên đang tiếp tục nghiên cứu. Về dự án metro Thủ Thiêm - Long Thành (kết nối Trung tâm tài chính với Sân bay quốc tế Long Thành), Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang đề xuất Trung ương giao cho thành phố làm chủ đầu tư.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố sẽ đề xuất cơ chế vượt trội để làm sao trong 3 - 5 năm nữa có metro kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Sân bay quốc tế Long Thành.

anh-4.jpg
Cơ chế đặc thù đang được vận dụng để tháo gỡ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: ML

Thành phố Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu dự án đường ven biển từ thành phố xuống Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm mở rộng không gian phát triển của thành phố. Trong năm 2025, thành phố phấn đấu khởi công các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các dự án BOT ở 5 cửa ngõ theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn như trên, thành phố cần có những cơ chế chính sách đặc thù mạnh hơn từ Trung ương. Mở đường cho cơ chế đặc thù vượt trội này, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trước mắt thành phố tổng kết Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Đô thị đặc biệt có tính đặc thù cao hơn cho thành phố Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến tháng 5-2025, thành phố sẽ tổng kết Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội. Từ đó, thành phố tiếp cận việc đề xuất Luật Đô thị đặc biệt để có cơ chế đặc thù vượt trội hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển thành phố giai đoạn mới.