Bớt công của, giảm ảnh hưởng
Ngay trong hai tuần đầu tiên từ sau khi trở lại cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra hàng loạt quyết sách thể hiện quyết tâm nhanh chóng thực hiện những cam kết trong quá trình vận động tranh cử.
Trong số những quyết sách này có chuyện ông Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Đồng thời, chính quyền mới ở Mỹ còn quyết định ngừng toàn bộ viện trợ cho thế giới bên ngoài và đóng cửa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Về phương diện tài chính, những quyết sách này giúp ông Trump "tiết kiệm" được nhiều khoản tiền rất lớn để chi tiêu cho dự án khác hoặc để tiết kiệm chi tiêu cho Chính phủ. Về chính trị nội bộ, ông Trump có thể dùng những quyết sách này để duy trì sự hậu thuẫn và tin cậy của bộ phận dân Mỹ ủng hộ mình, gây dựng hình ảnh trước dân chúng ở Mỹ là con người của hành động, đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện cam kết và đặc biệt là luôn kiên định với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Cụ thể ở đây là kiên quyết không làm và không tiếp tục làm những gì không có lợi hoặc không còn có lợi đối với nước Mỹ. Những quyết sách này của ông Trump giáng đòn mạnh vào các quốc gia và các tổ chức quốc tế luôn nhận được viện trợ và hậu thuẫn tài chính của Mỹ từ nhiều thập kỷ nay cũng như vào các dự án nhân đạo cũng như hợp tác phát triển ở nhiều nơi trên thế giới.
Nếu nhìn nhận từ góc độ tư duy lợi ích và tính cách cá nhân của ông Trump thì những quyết sách nói trên không khó hiểu, thậm chí còn logic. Ông Trump đã thực thi chúng trong thời gian nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên và luôn kiên định trong suốt thời gian không còn làm Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ vừa qua. Bây giờ, khi tiếp tục làm Tổng thống Mỹ, ông Trump càng có động cơ và mục đích thôi thúc hành động theo chiều hướng ấy, thậm chí còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Tất nhiên, mọi người đều hiểu, ông Trump lật ngược những quyết sách cầm quyền của người tiền nhiệm thì rồi đây người kế nhiệm ông Trump cũng rất có thể sẽ lật ngược những quyết sách cầm quyền của ông Trump. Nước Mỹ đã nhiều lần ra khỏi những tổ chức và thể chế đa phương quốc tế nhưng rồi về sau đã tham gia trở lại.
USAID là cơ quan được Tổng thống Mỹ John F.Kennedy thành lập năm 1961 nhằm gây dựng vai trò và ảnh hưởng cho nước Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Việc đóng cửa cơ quan này giúp ông Trump bớt chi tiêu gần 50 tỷ USD hằng năm. Nhưng bớt chi tiêu cho thế giới bên ngoài và giảm cam kết cho thế giới bên ngoài sẽ gây tổn hại rất lớn tới ảnh hưởng, vai trò và vị thế quốc tế của nước Mỹ, làm suy giảm rất đáng kể cái gọi là "sức mạnh mềm" của nước Mỹ.
Mỹ càng tự biệt lập với thế giới bên ngoài, càng ít hợp tác và hậu thuẫn các quốc gia và đối tác bên ngoài, càng coi nhẹ những chuyện chung của cả thế giới thì càng khó có thể gây dựng, duy trì và tăng cường sự coi trọng, tôn trọng, sự tin tưởng và thiện chí của thế giới bên ngoài.
Cứ tiếp tục như thế, ông Trump và cộng sự càng đẩy các đối tác bên ngoài ra xa Mỹ và xích lại gần hơn những quốc gia cạnh tranh ảnh hưởng cũng như vai trò chính trị thế giới của Mỹ như Trung Quốc hay Nga, Ấn Độ hay Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU). Cái lợi trước mắt cho ông Trump không thể bù đắp được cho cái bất cập hại đối với nước Mỹ về lâu dài. Vì thế rồi đây, người kế nhiệm ông Trump bất kể thuộc phe cánh chính trị nào chắc chắn sẽ buộc phải làm khác.